Vì sao Đức cần xem xét lại quan điểm về Dòng chảy phương Bắc 2?
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức, ông Norbert Röttgen, kêu gọi xem xét lại quan điểm về Nord Stream 2 |
Tuyên bố trên được ông Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức (Bundestag) đưa ra.
"Đức cần khẩn trương xem xét lại dự án khí đốt gây tranh cãi - Dòng chảy Phương Bắc 2… đó không phải là một dự án thương mại, mà có một ẩn ý địa chính trị rõ ràng", ông Röttgen viết trong bài đăng tải trên tờ The Guardian.
Ngoài ra, chính trị gia Đức cho rằng Nga cần đảm bảo vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) làm cách nào để cho các đường ống dẫn khí đốt của Nga trên lãnh thổ châu Âu hoạt động tuân thủ theo quy tắc cạnh tranh của khối.
Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 hoàn toàn là dự án thuần túy mang tính thương mại và cạnh tranh, đồng thời chỉ ra rằng Moscow không có ý định chấm dứt quá trình vận chuyển khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine đến EU.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án có sự tham gia của Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cùng 5 công ty của châu Âu bao gồm: Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Dutch Shell của liên danh Anh - Hà Lan và 2 công ty của Đức là Uniper và Wintershall.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hiện tại trước khi rẽ nhánh.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ukraine, Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án này. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".
Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.