Vì sao Đối thoại Shangri-La biến thành nơi "khẩu chiến" Mỹ - Trung?
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), những cuộc khẩu chiến dữ dội giữa các quan chức Mỹ - Trung tham gia hội nghị thượng đỉnh an ninh "Đối thoại Shangri-La" đã cho thấy, mức độ khó khăn trong việc kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cũng như những thách thức với luật pháp quốc tế và đưa Bắc Kinh ngồi vào bàn đối thoại với phương Tây.
Đại tá Zhao Xiaozhuo cho rằng, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng công khai sang cả cuộc họp thường niên như Đối thoại Shangri-La. |
Trong phiên Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore, một cuộc họp thường niên với sự tham gia của các Bộ trưởng Quốc phòng cùng nhiều quan chức tới từ hơn 50 quốc gia, phái đoàn đại diện Trung Quốc đã trở thành tâm điểm hứng chịu sự chỉ trích từ phía Mỹ về những hành động đơn phương, xâm phạm chủ quyền trái phép ở Biển Đông.
Phản ứng trước tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 2/6, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, Trung tướng He Lei cáo buộc chính Mỹ mới là nguồn cơn gây ra tình trạng xung đột ở vùng biển chiến lược.
Thậm chí, phát biểu sau phiên họp, các quan chức trong phái đoàn Trung Quốc còn thể hiện sự bất bình khi cho rằng, tiếng nói của họ bị phớt lờ trước sự lấn át từ những tuyên bố và nhận định của các nước phương Tây tham gia Đối thoại Shangri-La.
“Mỹ đã tạo ra những khái niệm hẹp về các thuật ngữ ‘trật tự dựa trên luật pháp’, ‘tự do hàng hải và hàng không’, ‘quân sự hóa’. Khi nhắc tới những thuật ngữ này là ngay lập tức ám chỉ sự chỉ trích nhằm vào Trung Quốc”, ông Yao Yunzhu, một tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu tham gia Đối thoại Shangri-La chia sẻ.
Cũng theo ông Yao, các quan chức quân đội Trung Quốc cảm thấy bối rối khi cố gắng đối thoại với những người đồng cấp phương Tây do rào cản ngôn ngữ và phương pháp tiếp cận giải quyết bất đồng.
“Trong nhiều sự kiện như trên, các phái đoàn phương Tây thường dùng ngôn ngữ và hành động khác với phong cách của chúng tôi. Họ nói tiếng Anh và chúng tôi khó có thể đối thoại cùng”, ông Yao nói thêm.
Trong khi đó, Đại tá Zhao Xiaozhuo lại cho rằng, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng công khai sang cả cuộc họp thường niên như Đối thoại Shangri-La.
“Đối thoại Shangri-La đã trở thành dịp để các phái đoàn Trung – Mỹ đấu khẩu. Do tính chất mở của phiên đối thoại, việc Trung Quốc phản ứng lại lời cáo buộc của Bộ trưởng Mỹ Mattis là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đấu khẩu không thể giải quyết vấn đề”, tướng Zhao nhận định.
Theo một nguồn tin từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), các nhà tổ chức phiên họp Đối thoại Shangri-La từng lên kế hoạch tổ chức phiên họp toàn thể để Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có dịp trình bày bài phát biểu. Song kế hoạch này buộc phải hủy bỏ do phía Bắc Kinh quyết định cử một phái đoàn cấp thấp hơn tới dự sự kiện.
Lần duy nhất Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng tới tham dự Đối thoại Shangri-La là vào năm 2011 với sự xuất hiện của ông Lương Quang Liệt. Còn kể từ sau, Trung Quốc chỉ cử các phái đoàn cấp thấp hơn tới dự sự kiện này.
Ông William Choong, nhà nghiên cứu cấp cao tại IISS cho hay, các nhà tổ chức đã cố gắng phá bỏ mọi rào cản bằng cách thực hiện hai chuyến thăm tới Trung Quốc trong năm nay nhằm thuyết phục Bắc Kinh cử phái đoàn cấp cao tới tham dự Đối thoại Shangri-La nhưng không thành công.
“Với tinh thần đối thoại mở, chúng tôi chỉ là nhà tổ chức Đối thoại Shangri-La nên không thể kiểm soát được những tuyên bố hay phát biểu và cả những câu hỏi được các nước đưa ra trong suốt phiên đối thoại. Rõ ràng, hoạt động ngày càng nhiều của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông cùng 'Sáng kiến Vành đai và Con đường' sẽ trở thành tâm điểm bị đặt câu hỏi trong sự kiện”, ông Choong nói.
Chia sẻ với SCMP, theo một nguồn tin, việc Trung Quốc chỉ điều phái đoàn cấp thấp tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore cho thấy, Bắc Kinh muốn “hạ thấp tầm quan trọng của sự kiện này và thay vào đó tự tổ chức một phiên đối thoại khác mang tầm cỡ ngang hàng”.
Cụ thể, Bắc Kinh đã cho khởi xướng "Diễn đàn Hương Sơn" vào năm 2006 nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh và quốc phòng ở châu Á – Thái Bình Dương. Đây được xem là sự kiện đối chọi với Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore. Tuy nhiên, "Diễn đàn Hương Sơn" của Trung Quốc đã bị hoãn tổ chức dưới sức ép của dư luận trong và ngoài nước hồi năm ngoái. Song theo một quan chức quân đội Trung Quốc, diễn đàn này sẽ được nối lại tổ chức ngay trong năm nay.