Vì sao cao tốc nghìn tỷ vừa thông đã lún nứt, hư hỏng?
Ông Nguyễn Văn Nhi – Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, đối với các hư hỏng, lún tại vị trí Km256+186 – Km256+541 và Km257+950 - Km258+300 thuộc địa phận xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, do các đoạn tuyến này nằm trên khu vực nền đất yếu, theo thiết kế cần phải áp dụng biện pháp xử lý nền đất yếu bằng giếng cát, bấc thấm và gia tải với thời gian gia tải, chờ lún khoảng từ 4 đến 7 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên gặp nhiều khó khăn nên phải đến tháng 3, chính quyền địa phương mới bàn giao công địa cho các đơn vị thi công.
Căn cứ vào chỉ dẫn kỹ thuật của tư vấn thiết kế, giám sát, đối với hai đoạn đường nói trên, thời gian chờ lún phải kéo dài đến hết tháng 1/2013.
Cận cảnh vết bong tróc ở cao tốc nghìn tỷ này |
“Để khai thác toàn bộ tuyến đường vào ngày 30/6 nhằm điều tiết lưu lượng, giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Ninh Bình và hỗ trợ nhà đầu tư có thêm nguồn thu để rút ngắn thời gian hoàn vốn, VEC đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và được Bộ GTVT cho phép áp dụng giải pháp đặc biệt đối với các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ tải sớm để làm mặt đường quá độ. Trong quá trình khai thác, VEC sẽ theo dõi và bù lún đồng thời với việc lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, để đảm bảo an toàn giao thông, trước khi thông xe VEC đã xây dựng các gờ giảm tốc và cắm biển hết đường cao tốc trước đó 500m; các biển hạn chế tốc độ giảm dần (từ 100 - 80 - 60 - 40km/h) đối với các đoạn phải chờ lún nêu trên, đồng thời bố trí người trực, hướng dẫn giao thông và ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.
Vì vậy, các hư hỏng ở một số đoạn xử lý lún tại 2 vị trí nói trên là nằm trong tiên lượng của Bộ GTVT và chủ đầu tư. Vào thời điểm hiện tại, do chưa tắt lún nên nền đường sẽ còn tiếp tục bị lún không đều, ảnh hưởng đến độ bằng phẳng của mặt đường. Như đã nêu ở trên thì đoạn đường này chưa khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc” - ông Nhi cho biết.
Về việc lún tại một số vị trí tiếp giáp giữa cầu, hầm chui dân sinh và mặt đường bê tông nhựa, đại diện VEC cho rằng đây là hiện tượng lún kỹ thuật. Hiện trên thế giới chưa có công nghệ xử lý triệt để, nhất là đối với các đoạn mặt đường láng nhựa nơi các phương tiện giao thông thường xuyên thay đổi tốc độ khai thác dễ gây bong bật mặt đường.
“Đối với những hư hỏng loại này, VEC đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục và sửa chữa ngay những điểm hư hỏng, bong bật mặt đường phát sinh trong quá trình khai thác.
Tuy nhiên, để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan nhằm tránh các vấn đề phát sinh như đã xảy ra trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty đã yêu cầu ông Giám đốc Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam và ông Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình kiểm điểm trách nhiệm gửi Lãnh đạo Tổng công ty trước ngày 4/12 .
Hiện VEC đã nhận được đầy đủ báo cáo, kiểm điểm. Sau khi xem xét, đánh giá, Tổng công ty sẽ nghiêm khắc có các hình thức xử lý thích đáng đối với các cá nhân liên quan.
Theo VTC