Vì sao “cần xem xét lại sự tồn tại của công trình Bảo tàng Đà Nẵng”?
“Về lâu dài cần xem xét lại sự tồn tại của công trình Bảo tàng Đà Nẵng” – Đây là ý kiến chính thức của Sở Xây dựng Đà Nẵng tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP hôm 29/8 vừa qua (Infonet đã đưa tin). Vì sao Sở Xây dựng Đà Nẵng lại phải có ý kiến dễ gây “mất lòng” không chỉ ngành văn hóa mà cả lãnh đạo TP như vậy?
Công trình Bảo tàng Đà Nẵng nằm trên nền di tích quốc gia Thành Điện Hải (Ảnh: HC) |
Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, ngày 13/2/2014, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn 11149/UBND-QLĐTh chỉ đạo Sở VH-TT-DL báo cáo phương án quy hoạch tổng mặt bằng tôn tạo sân vườn và không gian tưởng niệm các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh trong buổi đầu chống quân Pháp xâm lược cách đây hơn 155 năm tại di tích quốc gia Thành Điện Hải để báo cáo tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP nêu trên.
Theo hồ sơ thiết kế, trên nền di tích Thành Điện Hải sẽ bố trí Nhà Tưởng niệm có diện tích 160m2. Tuy nhiên Sở Xây dựng không tán đồng đề xuất này với lý do di tích Thành Điện Hải là một trong những di tích lịch sử có giá trị cao tại Đà Nẵng.
“Việc bố trí công trình Bảo tàng Đà Nẵng lên nền di tích Thành Điện Hải trước đây đã làm ảnh hưởng lớn đến không gian bảo tồn di tích. Điều này có thể kiểm chứng tại hiện trường. Đây là vấn đề cần đánh giá để rút kinh nghiệm. Nay nếu tiếp tục bố trí thêm Nhà tưởng niệm lên nền di tích sẽ càng làm phá vỡ không gian truyền thống vốn có của di tích, làm sai lệch cảm nhận về hình ảnh chân xác của nguyên gốc di tích. Điều này không phù hợp với tinh thần Hiến chương Quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích, di chỉ” – đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng nhấn mạnh tại cuộc họp hôm 29/8.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, mặc dù Bộ VH-TT-DL đã có công văn 3912/BVHTTDL-DSVH về việc thẩm định quy mô đầu tư xây dựng công trình tôn tạo sân vườn và không gian tưởng niệm Thành Điện Hải, trong đó chỉ lưu ý giảm quy mô xây dựng Nhà Tưởng niệm, nhưng điều đó không có nghĩa buộc phải đầu tư hạng mục công trình này. Trước hết, đây là di sản của nhân dân Đà Nẵng nên lãnh đạo TP phải xem xét trước.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng nhấn mạnh: “Để không gian truyền thống của di tích Thành Điện Hải đảm bảo được tính nguyên gốc, nếu cần thì chỉ nên đặt bia di tích, không xây dựng Nhà tưởng niệm, không bố trí bãi xe trên nền di tích (sử dụng chung bãi xe với Trung tâm Hành chính). Về lâu dài cần xem xét lại sự tồn tại của công trình Bảo tàng Đà Nẵng”.
Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP Đà Nẵng hôm 29/8, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã thống nhất với các đề xuất của Sở Xây dựng là chỉ tôn tạo sân vườn chứ không xây dựng Nhà tưởng niệm tại Di tích quốc gia Thành Điện Hải.
Được biết, Bảo tàng Đà Nẵng (thành lập năm 1989) được xây dựng mới tại số 24 Trần Phú (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), trong khuôn viên Di tích quốc gia Thành Điện Hải, và chỉ mới khánh thành, mở cửa đón khách tham quan cách đây hơn 3 năm, hôm 26/4/2011, sau gần hai năm triển khai thi công với tổng kinh phí đầu tư 45 tỉ đồng.
Trước khi Sở Xây dựng Đà Nẵng lên tiếng về sự bất hợp lý của công trình này trên nền di tích Thành Điện Hải thì tại cuộc họp cuộc họp chiều 12/3 bàn biện pháp xử lý tình trạng xâm hại di tích này do mở tuyến đường nội bộ trong Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, chính Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai cũng từng nói rõ:
“Công luận người ta nói đúng quá. Mình xây Trung tâm Hành chính, xây bảo tàng ở đây là đã vi phạm di tích rồi, bây giờ làm cái ni nữa thì rất khó chấp nhận. Vì theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì mọi công trình đều phải cách khu vực bảo vệ di tích cấp độ 1, tức là cách chân thành Điện Hải, khoảng 500m trở lên. Mình làm như thế là quá vi phạm rồi.
Cho nên bây giờ mình nên thôi, những gì vi phạm nữa thì dừng lại, chứ còn mình cứ vi phạm nữa thì không hay với quá khứ, với tiền nhân. Từ những buổi đầu chống quân Pháp xâm lược cách đây hơn 155 năm đã có hàng ngàn người đổ máu ở đây, cho nên đất này là đất thiêng, rất linh thiêng. Đề nghị các anh nên tôn tạo, nên biết ơn, nhớ ơn tiền nhân để mà dừng lại những việc thấy không hợp lý!”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao khi lãnh đạo TP Đà Nẵng có chủ trương xây dựng các công trình bảo tàng, trung tâm hành chính... trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích quốc gia Thành Điện Hải thì các cơ quan có chức năng tham mưu như Sở Xây dựng, Sở VH-TT-DL, Bảo tàng Đà Nẵng... lại không có ý kiến ngay mà để đến bây giờ, khi “gạo đã thành cơm” rồi mới lên tiếng?