Vì sao cả NATO lẫn EU đều không “mong đợi” Ukraine?
Vì sao cả NATO lẫn EU đều không “mong đợi” Ukraine? |
Tuyên bố trên được thành viên của Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga về vấn đề quốc tế Anton Morozov đưa ra.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, tranh luận về sự cần thiết phải đưa Ukraine gia nhập NATO và EU, tuyên bố rằng đây sẽ là một tín hiệu dành cho Nga.
"Ukraine là một quốc gia có chủ quyền, vì thế nước này có thể tham gia vào bất kỳ tổ chức nào. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh mà theo như tôi biết, Ukraine không được mong đợi ở cả khối NATO lẫn EU. Bởi vì đối với EU, Ukraine sẽ trở thành một ký sinh trùng khác, giống như các nước Đông Âu khác đã gia nhập Liên minh này", ông Morozov nói.
Ngoài ra, ông Morozov cũng cho rằng Ukraine không có giá trị gì đối với NATO. Ông nói: "Đối với NATO, Ukraine không có giá trị gì, bởi vì nước này có một quân đội rất yếu, thậm chí không thể chống lại các dân quân của Donbass - miền đông Ukraine".
Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Trước đó, ngày 22/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định Kiev cần phải gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), vì điều này giúp Ukraine dứt khoát chia tay với Nga.
Phát biểu với báo giới, ông Poroshenko nhấn mạnh: "Khi quy định trong Hiến pháp nghĩa vụ đường lối gia nhập NATO và EU, chúng ta gửi tín hiệu đến cho Moscow - chúng ta sẽ chia tay dứt khoát và triệt để. Nga là quốc gia xâm lược không có và sẽ không có quyền phủ quyết việc chúng ta gia nhập NATO hay EU. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng nếu chúng ta là thành viên NATO thì Nga không bao giờ dám sáp nhập Bán đảo Crimea, không bao giờ dám xâm lược Donbass".
Tổng thống Poroshenko đề nghị Quốc hội sửa đổi một số điều trong Hiến pháp theo hướng hiến định chính sách gia nhập NATO và EU.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Ukraine Yuriy Boyko cho rằng con đường đến với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev vẫn còn rất chông gai, mà lý do chủ yếu là những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Donbass - miền Đông Ukraine.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội, được phát sóng trên kênh truyền hình 112 Ukraine, đại biểu Yuriy Boyko cho biết: "Sẽ chẳng ai cho chúng ta gia nhập NATO, bởi vì một điểm trong đạo luật thứ sáu quy định rằng: nếu một quốc gia có xung đột lãnh thổ trong nước, thì quốc gia đó không thể là một thành viên của NATO, và quốc gia này không được chấp nhận. Chúng ta nên hợp tác với NATO như cách chúng ta nên hợp tác với cả thế giới, và tận dụng những thứ tốt nhất mà họ có".
Tháng 12/2014, Quốc hội Ukraine cũng đã sửa đổi luật để từ bỏ quy chế nhà nước không liên minh. Tháng 6/2016, cơ quan lập pháp nước này cũng đã sửa đổi bổ sung xác định việc gia nhập NATO là mục tiêu chính sách đối ngoại của Ukraine. Đến năm 2020, Ukraine cần phải bảo đảm sự tương thích hoàn toàn lực lượng vũ trang của mình với lực lượng các nước thành viên NATO. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng trong vòng 20 năm tới Ukraine khó có thể gia nhập được NATO.