Vì sao binh lính Mỹ ủng hộ Donald Trump làm Tổng thống?
Đầu tháng này, nhà tỷ phú Donald Trump đã khiến cả nước Mỹ và thế giới kinh ngạc khi trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa, dần dần loại các đối thủ khác khỏi đường đua một cách thuyết phục. Và mặc dù trong các cuộc thăm dò ý kiến bà Hillary Clinton có vẻ lợi thế hơn ông Trump trong cuộc đua cuối cùng, song điều này lại ngược lại đối với các quân nhân Mỹ.
Ông Trump nhận được sự ủng hộ của đa số binh lính Mỹ. |
Trong một cuộc khảo sát mới đây, tạp chí The Military Times đã cho thấy sự “đảo ngược tình thế” khi 54% người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ tỷ phú Trump so với 25% số người chọn bà Hillary Clinton, 21% còn lại cho biết họ sẽ không bầu ai cả. Trong khi đó, cuộc khảo sát giữa ông Trump và Bernie Sanders cho thấy 51% người ủng hộ ông Trump và 38% người chọn Thượng nghị sĩ bang Vermont.
Trong số bốn đơn vị chính của lực lượng vũ trang Mỹ là bộ binh, hải quân, không quân và lính thủy đánh bộ, ông Trump đều chiếm được đa số phiếu ủng hộ so với bà Clinton, với tỷ lệ lần lượt là 56-24%, 48-31%, 54-25% và 60-18%.
Theo ông Sergei Bespalov, nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Tổng thống Nga, thuộc trường Hành chính công và kinh tế quốc gia Nga, câu trả lời cho sự lựa chọn này không phải ai cũng biết. Lý do lớn nhất, theo ông Bespalov, đó là những bình luận, cam kết của ông Trump về chính sách đối ngoại.
“Những lời hứa hẹn của ông Trump rằng sẽ giảm đáng kể các hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn cầu dường như đã mang lại một phản ứng tích cực từ phía các quân nhân. Nói chung, các binh lính không mấy hứng thú với ý tưởng đất nước mình sẽ chìm sâu trong các cuộc xung đột vũ trang mới bởi họ chính là lực lượng phải chịu nhiều rủi ro nhất khi điều này xảy ra”, chuyên gia Bespalov phân tích.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong các lực lượng quân đội luôn cao hơn bà Clinton. |
Ông cũng cho biết thêm: “Cùng lúc đó, bà Clinton lại nổi tiếng là một người ủng hộ chính sách đối ngoại hiếu chiến, nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách hiện tại là mở rộng lực lượng “dân chủ phong cách phương Tây” trên khắp thế giới và sẽ chủ động can thiệp vào các vấn đề đối nội của nhiều quốc gia cũng như thể chế. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ sẽ tăng cường sử dụng các lực lượng vũ trang ở nước ngoài và tạo ra những cuộc xung đột quân sự mới”.
Khi được hỏi tại sao Lầu Năm Góc lại thích ông Trump và chính sách không can thiệp của ông hơn, chuyên gia Bespalov nhận định: “Không phải là Lầu Năm Góc hay các lãnh đạo hàng đầu của quân đội Mỹ ủng hộ ông Trump mà là đại đa số binh lính và nữ quân nhân Mỹ chọn ông Trump. Lầu Năm Góc ủng hộ bà Clinton nhưng nếu bà Clinton làm Tổng thống thì các binh lính nói trên có thể phải mạo hiểm cuộc sống của mình để tham gia chiến đấu, vì vậy đó là lý do tại sao các binh lính và nhân viên quân đội bình thường lại ưa thích ông Trump hơn”.
Mikhail Alexandrov, chuyên gia cao cấp của Trung tâm nghiên cứu quân sự-chính trị tại Viện quan hệ quốc tế Moscow, lại đưa ra một lý do khác. “Ông Trump cho thấy sự kiên quyết, dứt khoát trong việc sử dụng các lực lượng. Ông yêu cầu Tổng thống Obama sử dụng bộ binh, bao gồm ở Syria. Ông đã chuẩn bị để gia tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ với Iran. Ông cho rằng đối thoại với Nga chỉ có thể diễn ra với một vị thế mạnh. Và gần đây tỷ phú Trump khẳng định nếu cần thiết thì hãy bắn hạ máy bay Nga. Đối với ứng viên đảng Cộng hòa, ít nhất bằng lời nói của mình, ông đã tạo ra hình ảnh một người đàn ông hiếu chiến, sẵn sàng sử dụng quân đội nếu như lợi ích của nước Mỹ bị đe dọa. Và cách tiếp cận này khá dễ hiểu đối với các quân nhân”, ông Alexandrov cho biết.
Nói một cách khác, ông Alexandrov, cho rằng tỷ phú Trump “là người ủng hộ một chính sách mở đối với việc điều binh hơn, không giống như bà Clinton, người thích các phương pháp tác chiến “lai” hơn, bao gồm sức mạnh mềm và các chiến dịch đặc biệt. Còn ông Trump có thể sẵn sàng sử dụng binh lính một cách trực tiếp, dứt khoát và quy mô lớn”.
Liệu chính sách nào phù hợp hơn đối với Nga và đối với các quốc gia khác đang muốn thoát khỏi thế độc tôn của Mỹ và mở ra một thế giới đa cực, vẫn còn cần thời gian trả lời. Bà Clinton cũng hứa hẹn một chính sách ngoại giao mới, liên quan đến các cuộc cách mạng màu gần biên giới Nga và cả cuộc chiến ở Trung Đông. Ông Trump cũng đề cập đến việc đàm phán với Moscow một cách tích cực nếu ông trở thành Tổng thống.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.