Vì lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga – Iran – Triều Tiên sẽ thành lập liên minh?
Hôm 31/8, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho hay, Tổng thống Donald Trump sẽ sớm ký dự luật tăng cường trừng phạt với Nga, Iran và Triều Tiên. Trước đó tại Thượng viện, tỷ lệ ủng hộ và phản đối dự luật tăng cường trừng phạt với 3 quốc gia trên là 98/2 và tại Hạ viện là 419/3.
Theo dự luật tăng cường trừng phạt của Mỹ, Nga sẽ phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt tài chính trong khi đó Washington sẽ áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát chương trình phát triển tên lửa của Iran và ngành công nghiệp vận tải đường biển của Triều Tiên.
Trước nguy cơ Mỹ áp đặt trừng phạt tăng cường với Nga - Iran - Triều Tiên, khả năng ba quốc gia này sẽ thiết lập quan hệ liên minh chính thức để đối phó với Washington. |
Đây là lý do khiến giới chuyên gia lo ngại Nga và Iran có thể tiến tới thiết lập mối quan hệ liên minh 3 bên chính thức với Triều Tiên để chống lại tham vọng và lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chia sẻ với Sputnik, nhà phân tích chính trị Iran, ông Sajjad Tayeri nhận định, vai trò của Bình Nhưỡng trong mối quan hệ liên minh mà khả năng Nga và Iran sẽ thiết lập là không lớn bởi Triều Tiên vẫn không có ý định từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân để tiến tới đối thoại.
Cũng theo ông Tayeri, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ từ chối tham gia liên minh của Nga và Iran. Do đó, Moscow và Tehran có thể sẽ cho thành lập một liên minh mới ở Trung Đông.
Ông Tayeri nhấn mạnh, áp đặt lệnh trừng phạt với Iran là cách mà Mỹ muốn gia tăng sức ép với Tehran cũng như làm giảm năng lực quân sự của Iran. Tuy nhiên, các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên lại cho thấy Bình Nhưỡng "có thể tấn công Mỹ".
"Vị trí của Nga và Iran là hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi xem Moscow và Tehran là đồng minh và có thể thiết lập một liên minh mới ở Trung Đông bởi lâu nay, Nga và Iran vẫn cùng hành động trong các vấn đề mang tính quốc tế", ông Tayeri nói.
Liên quan tới khả năng đáp trả trước lệnh trừng phạt tăng cường từ Mỹ, ông Tayeri cho rằng, "trong tương lai, Triều Tiên sẽ không thể đóng góp vai trò lớn trong tiến trình này bởi Bình Nhưỡng chỉ có sức mạnh và khả năng phản ứng trên bán đảo Triều Tiên".
"Khác với Triều Tiên, Nga và Iran có tầm ảnh hưởng tích cực ở Trung Đông cũng như ở Đông Âu. Do đó, nếu mối quan hệ liên minh được thiết lập, Nga và Iran sẽ trở thành những thành viên chính thức còn Triều Tiên sẽ giữ vai trò nhỏ hơn nhiều", ông Tayeri chia sẻ.
Ông Tayeri nói thêm, "Bình Nhưỡng muốn đàm phán bằng bom hạt nhân nhưng Nga và Iran lại mong muốn tiến hành đối thoại ngoại giao với Mỹ".
Còn theo nhà phân tích chính trị Iran Mahmoud Shuri, Nga – Iran – Triều Tiên "có thời điểm khác nhau và lý do khác nhau để phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ. Do đó, ba nước này sẽ đưa ra phản ứng theo cách của riêng mình".
Cụ thể, theo ông Shuri, với vị thế là một cường quốc và thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga sẽ có khả năng lớn đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ ở cấp độ ngoại giao.
Cũng theo ông Shuri, tương tự như Nga, Iran đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm qua liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.