Vị giáo sư mang nụ cười lành lặn cho trẻ dị tật khe hở môi vòm miệng
Trẻ bị sứt môi hở vòm miệng được mổ miễn phí tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương |
Khe hở môi – vòm miệng không nên lo
Giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, luôn nhắc cán bộ của bệnh viện làm sao có thể treo được tấm biển to nhất, dễ nhìn nhất trước cổng viện, để ai cũng biết đây là nơi mổ miễn phí quanh năm cho trẻ có dị tật khe hở môi - vòm miệng trên toàn đất nước Việt Nam.
GS Hải cho biết, mỗi năm ở nước ta có hàng nghìn trẻ em sinh ra có khuyết tật khe hở môi - vòm miệng. Hàng năm, bệnh viện đều triển khai mổ nhân đạo từ 500 đến 1000 trẻ mỗi năm. Việc điều trị cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm họng cần rất nhiều thời gian và phải điều trị toàn diện.
Tuy nhiên rất nhiều người không biết và cũng không có tiền. Họ để cho con em mình sống chung với dị tật khiến các cháu khó khăn trong ăn uống, tự ti trong cuộc sống.
Theo giáo sư Hải, nguyên nhân của trẻ bị khuyết tật khe hở môi – vòm miệng có rất nhiều nhưng người ta cho rằng có thể trong thời gian mang thai 3 tháng đầu bà mẹ bị nhiễm siêu vi rút như cúm, ảnh hưởng tới quá trình tạo hình và phát triển của đứa trẻ.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác được bác sĩ cho rằng do môi trường, hóa chất. Mỗi năm tiếp xúc với hàng nghìn cặp gia đình có con bị khe hở vòm miệng, không ít bà mẹ khóc lóc cho rằng lỗi tại bố mẹ, gia đình vô phúc nên con phải chịu nghiệt báo… tuy nhiên đó chỉ là vấn đề tâm lý của các gia đình.
GS Trịnh Đình Hải |
Hiện nay, xu hướng nhiều bà mẹ khi phát hiện thai nhi có dị tật liền tìm mọi cách để bỏ thai nhưng đến nay, nếu không may trẻ phát hiện có dị tật này, cha mẹ không nên quá lo lắng.
Bà mẹ có thể đến bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương để được bác sĩ tư vấn chăm trẻ từ khi mới sinh ra. Khi trẻ bị khe hở vòm miệng, các cháu rất vất vả về ăn uống nên trong 10 ngày đầu sau sinh, các bác sĩ sẽ can thiệp đặt máng hoặc lấp vít tạm thời khe hở để các cháu có thể ăn uống được.
Khi trẻ phát triển 6 tháng có thể làm phẫu thuật khe hở môi, phẫu thuật này kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Khi trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi, đảm bảo cân nặng từ 10kg trở lên có thể phẫu thuật khe hở vòm miệng phía trong, ca mổ kéo dài từ 2 - 2,6 tiếng.
Sau phẫu thuật, các bác sĩ tiếp tục giúp các bé các tiết học luyện phát âm để đứa trẻ có thể nói trong trẻo như mọi bé khác cho đến khi vào lớp 1.
Từ 12 tuổi, khi các cháu thay hết răng sữa, các bác sĩ phải trợ giúp các cháu nắn chỉnh răng. Giai đoạn này cần rất nhiều thời gian và mang tính thẩm mỹ giúp trẻ tự tin bước vào cuộc sống của mình.
Mổ miễn phí quanh năm
Giáo sư Hải cho biết, chứng kiến nhiều đứa trẻ không thể hòa nhập được với cộng đồng do phẫu thuật muộn, việc nói năng cũng khó, cuộc sống của các cháu hết sức khó khăn nên lúc nào ban lãnh đạo Bệnh viện cũng “mở rộng cửa” chào đón các bé bị khe hở môi – vòm miệng đến phẫu thuật.
20 năm nay, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương luôn hợp tác với các tổ chức nước ngoài để tiến hành phẫu thuật miễn phí cho trẻ có khe hở môi – vòm miệng nhưng thời đó chi phí hỗ trợ của các tổ chức ít, chỉ 50 USD/cháu, nên bệnh viện phải “xoay” thêm các nguồn hỗ trợ khác để giúp các cháu.
Ngày trước, mỗi năm chỉ có 2 – 3 đợt mổ miễn phí còn bây giờ, tất cả các cháu có dị tật khe hở môi vòm miệng từ khắp mọi miền tổ quốc có thể liên hệ bệnh viện để được hỗ trợ mổ miễn phí tất cả các ngày trong năm trừ nghỉ lễ tết.
Ngoài mổ và điều trị miễn phí, Bệnh viện còn hỗ trợ mỗi cháu 300 nghìn đồng/ngày để trang trải tiền ăn uống những ngày bố mẹ các cháu chăm sóc cháu ở viện. Quan điểm của GS Hải là giúp đỡ phải toàn diện bởi có những gia đình dù bác sĩ mổ miễn phí nhưng các cháu cũng không có điều kiện đến bệnh viện bởi chi phí đi lại, xe cộ và ăn uống ở viện.
Niềm vui của các bác sĩ là những cháu bé có khuyết tật khe hở môi vòm miệng có thể hòa nhập cuộc sống, đi học và trở thành người có ích cho xã hội. Đây cũng là mong ước của GS Hải để mỗi người Việt không còn bị những dị tật về răng hàm mặt.