Venezuela nhờ Nga điều quân đội tới giải quyết khủng hoảng chính trị?
Chia sẻ với Sputnik, trước câu hỏi liệu Caracas đã gửi lời đề nghị Moscow điều quân đội Nga tới Venezuela để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Mỹ Latinh, ông Shchetinin khẳng định, “Chúng tôi cân nhắc và phân tích lời đề nghị của các đối tác chiến lược một cách rất kỹ càng. Chúng tôi không hề nhận được lời đề nghị như trên đối với Venezuela”.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. |
Cũng theo ông Shchetinin, Nga mở lòng đối thoại với tất cả chính trị gia Venezuela, những người sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết tình hình hiện tại ở Venezuela.
“Đối với các chính trị gia Venezuela, chúng tôi mở lòng đối thoại với tất cả mọi người, những người muốn có cách tiếp cận tích cực đối với tình hình hiện nay và là những người quan tâm tới lợi ích trước tiên của người dân Venezuela cũng như sự phát triển của nền kinh tế xã hội và ủng hộ việc thiết lập đối thoại chính trị toàn diện nhằm giải quyết triệt để vấn đề”, ông Shchetinin nói.
Bình luận về mối quan hệ đối tác kinh tế, ông Shchetinin cho hay mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa Nga và Venezuela dựa trên những thỏa thuận pháp lý và chính phủ hai nước có nghĩa vụ tôn trọng lẫn nhau.
“Mối quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư với Venezuela dựa trên những khuôn khổ mang tính ràng buộc và pháp lý. Đây là lợi ích của cả hai nước bao gồm nền kinh tế và người dân Venezuela. Các thỏa thuận pháp lý cần được chính phủ hai nước tôn trọng dựa trên những ưu tiên kinh tế thiết thực chứ không chỉ hệ tư tưởng chính trị”, ông Shchetinin nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Shchetinin, sự can thiệp của quốc tế vào tình hình chính trị ở Venezuela không chỉ theo hướng “đối thoại mang tính điều kiện” mà nên nhắm tới việc hòa giải các lực lượng đối lập ở quốc gia Mỹ Latinh này. Cũng theo ông Shchetinin, sự can thiệp từ bên ngoài cần tôn trọng chủ quyền của Venezuela cũng như ngăn sự can thiệp mang tính phá hoại như ép buộc thay vào đó là cần thiết lập một cuộc đối thoại chính trị.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela bùng phát sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự nhận làm Tổng thống lâm thời vào ngày 23/1.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số quốc gia Mỹ Latinh như Argentina, Brazil, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Chile, Colombia, Paraguay và Peru quyết định công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido làm Tổng thống lâm thời của Venezuela. Ngay cả nhiều quốc gia lớn ở châu Âu như Anh, Pháp và Áo đã lên tiếng ủng hộ ông Guaido. Ông Trump còn cáo buộc chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro là "bất hợp pháp".
Tuy nhiên, Nga, Bolivia, Iran, Cuba, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đồng thời kêu gọi các nước từ bỏ ý định can thiệp quân sự vào khủng hoảng chính trị ở Venezuela.