Vén màn bí mật về tàu sân bay thứ ba Type 002 của Trung Quốc
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin những hình ảnh vệ tinh của CSIS được chụp vào ngày 17/4. Chiếc tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc được định danh là Type 002.
Cho tới nay, hải quân Trung Quốc mới chỉ có duy nhất chiếc tàu sân bay Liêu Ninh đang hoạt động. |
Phân tích của CSIS nhấn mạnh, “trong khi những thông tin chia tiết về tàu sân bay Type 002 còn khá ít ỏi, nhưng những gì đang diễn ra ở xưởng đóng tàu Giang Nam hoàn toàn trùng khớp với kỳ vọng mà quân đội Trung Quốc đặt ra cho chiếc tàu sân bay thứ ba”.
Theo đó, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân có thể hoạt động khắp thế giới và hỗ trợ an ninh hàng hải quốc gia. Song hiện tại, quân đội Trung Quốc chỉ mới có duy nhất Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay được cải tiến từ tàu mua lại của Ukraine vào năm 1998.
Quân đội Trung Quốc kỳ vọng sẽ tiếp nhận chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên là Type 001A vào cuối năm nay. Tàu Type 001A được sản xuất dựa trên mẫutàu Liêu Ninh. Con tàu được hạ thủy vào năm 2017 và hiện trong quá trình chạy thử nghiệm trên biển.
Dù chính quyền Bắc Kinh không lên tiếng xác nhận chính thức việc nước này đang đóng tàu sân bay nội địa thứ hai là Type 002 nhưng từ tháng 11 năm ngoái, truyền thông quốc gia Trung Quốc đã nhắc tới dự án này.
Cụ thể, Tân Hoa Xã cho biết “một tàu sân bay mới đang trong quá trình sản xuất”.
Còn theo những bức ảnh vệ tinh được CSIS công bố, tàu sân bay đang được Trung Quốc đóng có chiều dài khoảng 30 m, phần thân tàu rộng 41 m với các cần trục bên trên.
Các khu chế tạo lớn được bố trí gần vị trí đóng tàu. Công việc dường như cũng đang diễn ra tại một vịnh ngập nước, có khả năng để hạ thân tàu ra cửa sông Dương Tử gần đó khi hoàn thành.
Kích thước của con tàu cho thấy nó lớn hơn tàu sân bay Liêu Ninh vốn có lượng giãn nước toàn tải là 55.000 tấn.
“Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có thể có lượng giãn nước toàn tải là 80.000 tấn”, ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự tại Hong Kong nhận định.
Tuy nhiên, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn so với các tàu sân bay lớp Nimitz và lớp Gerald R Ford vốn có lượng giãn nước toàn tải 100.000 tấn của hải quân Mỹ. Song tàu sân bay nội địa thứ hai của Trung Quốc lại lớn hơn so với các tàu sân bay khác trên thế giới như tàu sân bay lớp Queen Elizabeth 65.000 tấn của Anh, tàu Charles de Gaulle 42.500 tấn của Pháp hay tàu Vikramaditya và Vikrant của Ấn Độ và tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga.
Hai tàu sân bay của Trung Quốc là Liêu Ninh và Type 001A đều sử dụng năng lượng truyền thống và hệ thống phóng máy bay kiểu nhảy cầu.
Theo nhà bình luận Song, tàu Type 002 cũng sẽ không sử dụng năng lượng hạt nhân bởi chưa có một chiến hạm mặt nước nào của Trung Quốc sử dụng công nghệ này. Chỉ có tàu ngầm Trung Quốc mới sử dụng năng lượng hạt nhân.
Bản báo cáo thường niên về chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc được Lầu Năm Góc công bố hồi tuần trước cũng nhấn mạnh, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ lớn hơn hai chiếc tàu còn lại và được trang bị hệ thống máy phóng nhằm hỗ trợ hoạt động cho các loại máy bay cánh cố định như chiến đấu cơ và máy bay cảnh báo sớm.
Một số nguồn tin cho rằng, tàu Type 002 sẽ được trang bị máy phóng máy bay điện từ, một kỹ thuật mới chỉ được sử dụng trên các tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹlà lớp Ford.
Type 002 cũng là tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc sản xuất hoàn toàn trong nước từ khâu thiết kế.
Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin giới chuyên gia nhận định hải quân Trung Quốc sẽ cần tới 6 tàu sân bay và sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành tham vọng này.
Cho tới nay, Mỹ vẫn duy trì vị thế là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới với 11 tàu sân bay cùng 2 tàu đang trong quá trình sản xuất.
Một số hình ảnh vệ tinh về hoạt động đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc: