Vệ tinh mới của Ấn Độ có gì khiến Trung Quốc và Pakistan phải “toát mồ hôi hột”?
Theo ông Mikhail Khodarenok, chuyên gia quân sự và là một đại tá đã nghỉ hưu của lực lượng phòng thủ tên lửa Nga, vệ tinh do thám thu ảnh chụp trên không EMISAT của Ấn Độ sẽ cho phép nước này dễ dàng phát hiện khả năng triển khai các loại khí tài chiến tranh điện tử của đối phương, nhờ đó sẽ giúp họ có lợi thế trước Pakistan và Trung Quốc.
Hệ thống vệ tinh EMISAT của Ấn Độ. |
“Một cường quốc không gian phải có mọi hệ thống quan sát từ ngoài vũ trụ cần thiết và đây là điều mà Ấn Độ đang hướng tới”, ông Khodarenok nói.
Vệ tinh EMISAT được đưa vào quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa PSLV C-45 của Ấn Độ vào ngày 1/4 là một bản sao của vệ tinh do thám Lacrosse/Onyx của Mỹ. Ông Khodarenok giải thích, các loại vệ tinh do thám thu hình ảnh như vậy “có khả năng phát hiện tín hiệu sóng radio và xác định được hệ thống vô tuyến điện tử nào được sử dụng tại một khu vực nhất định”, giúp quân đội Ấn Độ có thể phát hiện vị trí, tần suất hoạt động và tần số vô tuyến mà đối phương đang sử dụng.
Cũng theo chuyên gia người Nga, vệ tinh này cũng được thiết kế để tìm kiếm vị trí hệ thống radar, hệ thống tên lửa phòng không và các thiết bị không lưu khác. Ấn Độ sẽ có thể “dễ dàng” có những thông tin chi tiết về sức mạnh của các thiết bị vô tuyến của đối phương và giúp họ chủ động hơn trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra. Ông tin rằng “vệ tinh này giúp New Delhi có lợi thế chiến lược đáng kể trước những nước láng giềng như Trung Quốc và Pakistan”.
Việc phóng vệ tinh EMISAT của Ấn Độ diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi nước này vừa thử nghiệm một loại tên lửa diệt vệ tinh mới. Ông Khodarenok tin rằng bước tiếp theo của Ấn Độ sẽ là đưa vệ tinh cảnh báo sớm vào không gian trong tương lai.