Vệ tinh của Triều Tiên đang ‘lảo đảo’ trong không gian
Hôm 12/12 vừa qua, Triều Tiên đã cho phóng tên lửa Unha-3 mang theo một vệ tinh nhân tạo đi vào quỹ đạo. Mặc dù phía Triều Tiên khẳng định đây chỉ là một vụ phóng vệ tinh thời tiết thông thường nhưng Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia phương Tây vẫn khẳng định đó chỉ là một vụ thử tên lửa tầm xa “trá hình”. Những lời tố cáo này càng được khẳng định khi vệ tinh mà Triều Tiên đưa lên không gian đến nay vẫn chưa thể hoạt động.
Chính quyền Bình Nhưỡng loan tin cho biết, chiếc vệ tinh có kích thước chỉ bằng một chiếc máy giặt này đã hoạt động tốt và đang phát sóng một bài hát cách mạng về Trái Đất. Nhưng chuyên gia vũ trụ Jonathan McDowell (Mỹ) lại khẳng định vệ tinh này đang bay với một quỹ đạo rất “lảo đảo” và không có vẻ gì là nó đang truyền tín hiệu.
“Hai trong số những dấu hiệu quan trọng nhất của một chiếc vệ tinh đến nay vẫn hoàn toàn không được kích hoạt và chưa hề hoạt động”, chuyên gia này tiết lộ trên tờ New York Times.
Theo thiết kế, vệ tinh này phải hướng đầu của nó về phía Trái Đất nhưng ông McDowell khẳng định những ánh sáng phản chiếu từ vệ tinh của Triều Tiên cho thấy nó đang liên tục sáng tối thất thường và cho thấy nó chưa chịu tuân theo sự điều khiển của mặt đất.
“Đây là bằng chứng nổi trội nhất cho thấy chiếc vệ tinh này đã thất bại ngay khi vừa được phóng lên”, McDowell nói. Trong khi trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin AP, chuyên gia này cho biết mặc dù thất bại và không thể hoạt động nhưng vệ tinh của Triều Tiên vẫn tiếp tục tồn tại trong không gian trong nhiều năm nữa.
Chính sự “không hoạt động của vệ tinh” càng khiến những lời chỉ trích nhắm vào Triều Tiên càng thêm mạnh mẽ và họ cho rằng dù vụ phóng lần này đã có kết quả tốt hơn lần phóng hồi tháng 4 năm nay nhưng mục đích chính của Triều Tiên không phải là vệ tinh mà chẳng qua họ muốn thử xem tên lửa Unha-3 hoạt động thế nào mà thôi.
Trên thực tế, công nghệ tên lửa có thể mang vệ tinh lên quỹ đạo cũng gần tương tự như công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa. Vụ phóng này khẳng định một thực tế là quả tên lửa 3 tầng mà Triều Tiên phóng lên đã hoạt động rất thành công, đánh dấu một bước tiến mới vô cùng quan trọng của Triều Tiên trong khả năng phát triển loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuy nhiên, Stuart Eves, kỹ sư trưởng của Viện công nghệ vệ tinh Surrey (Anh) lại cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận rằng vệ tinh của Triều Tiên đã chết. Ông này nhấn mạnh rằng bất kỳ vệ tinh hay tàu vũ trụ nào khi mới phóng lên không gian cũng gặp tình trạng mất ổn định, mất phương hướng và sự “lảo đảo” của nó cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực kiểm soát và điều khiển vệ tinh của mình.
“Phụ thuộc vào các cách thức mà họ cố gắng ổn định nó, có thể họ đang gặp trục trặc nghiêm trọng”, chuyên gia này nói với hãng tin BBC, “Thông thường chúng ta (nước Anh) sẽ mất từ 2-3 ngày để ổn định vệ tinh sau khi phóng và chúng ta đã có khá nhiều kinh nghiệm nhưng đây là lần đầu tiên của Triều Tiên nên có thể họ sẽ mất nhiều thời gian hơn. ”.
Nhưng các nước phương Tây lại biện minh rằng chính màn ăn mừng hoành tráng mà Triều Tiên tổ chức sau vụ phóng hôm 12/12 vừa rồi cho thấy cái mà Kim Jong-un muốn chỉ là việc quả tên lửa tầm xa có hoạt động tốt hay không còn vệ tinh chỉ là chuyện “có cho vui”.
Màn ăn mừng hoành tráng mà Triều Tiên tổ chức sau vụ phóng hôm 12/12 vừa rồi cho thấy cái mà Kim Jong-un muốn chỉ là việc quả tên lửa Unha - 3 có hoạt động tốt hay không còn vệ tinh chỉ là chuyện “có cho vui”. |
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã tuyên bố, vụ phóng này đã vi phạm 2 lệnh cấm thử tên lửa của Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Triều Tiên kể từ sau các vụ thử hạt nhân hồi năm 2006 và 2009.
Theo nhà báo chuyên theo dõi mảng ngoại giao của BBC, Jonathan Marcus, đây mới chỉ là vụ thử thành công đầu tiên của Triều Tiên sau thất bại hồi tháng 4 vừa qua nên gần như chắc chắn quốc gia này đã lên kế hoạch cho các vụ phóng tiếp theo nhằm làm chủ thực sự công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Ngay trong lễ ăn mừng vụ phóng này cách đây mấy ngày, chính quyền Bình Nhưỡng cũng đã tiết lộ rằng họ sẽ tiếp tục tiến hành các vụ phóng khác.
Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên Hợp Quốc đều nhất trí rằng các lệnh cấm vận cần phải được siết chặt và mạnh mẽ hơn nữa. Trong khi đó, Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên lại đáp lời rằng Liên Hợp Quốc nên theo đuổi các giải pháp hòa bình và tránh làm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.