Về miền Tây nghe chuyện giỗ ông Đề
Ngày giỗ ông Đề cũng là ngày sum họp, quây quần của các gia đình nơi đây, không khác gì dịp Tết cổ truyền.
Cuối tháng 3 vừa qua, nhiều du khách đến xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cả xã cùng làm giỗ ông Đề.
Người dân và du khách thắp hương tại đám giỗ ông Đề vào tháng 3 vừa qua.
Tưởng nhớ tiền nhân
Tất bật tham gia phục vụ đám giỗ ông Đề, anh Trần Văn Tới ở xã Mỹ Khánh chia sẻ, người dân ở đây đều tưởng nhớ, coi ông Đề như bậc thành hoàng của làng. Hàng năm vào dịp ngày giỗ của ông, mỗi gia đình đều tổ chức cúng giỗ.
“Những món cúng trong phần lễ là những món sinh thời người đi mở đất hay dùng như bánh tét, bánh ít, cá lóc nướng; gà luộc xé phay, tôm kho tàu, thịt kho, cơm gạo nàng hương…”, anh Tới cho hay.
Anh Tới không nhớ người dân nơi đây đã làm đám giỗ ông Đề từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi anh lớn lên, hiểu chuyện, cứ nhằm ngày 20/2 Âm lịch là nhà nào cũng tổ chức.
Nhà nào đơn giản cũng làm ít bánh trái, nhà nào có điều kiện thì làm mâm cơm mời anh em, con cháu, bạn bè cùng về ăn giỗ.
“Mấy năm gần đây, khu du lịch sinh thái Ông Đề tổ chức lễ hội giỗ ông Đề thì càng trang trọng hơn”, anh Tới cho hay.
Ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Làng du lịch sinh thái Ông Đề cho biết, lễ hội giỗ ông Đề gồm có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có nghi thức rước hình và bài vị ông Đề, cúng tế theo nghi thức lễ giỗ ông bà tổ tiên ở Nam bộ.
Phần hội sẽ là những bài ca vọng cổ và trích đoạn cải lương nổi tiếng của soạn giả Văn Bớt, phổ thơ Huy Tùng như “Về Ông Đề thăm đất phương Nam”, “Huyền thoại Ông Đề”. Ngoài ra, còn có nhiều trò chơi dân gian như: Đá gà; kéo co, bơi thuyền, bắt vịt, đá dế...
“Tôi cũng là người con đất Phong Điền. Ngay từ lúc còn là một đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, lòng tôi luôn đau đáu câu hỏi: Ông bà Đề là ai? Tại sao con rạch gần nhà lại mang tên Ông Đề?
Đến khi lớn lên, tìm hiểu được ngọn ngành, rồi sau đó có điều kiện kinh doanh, tôi đã lấy tên Ông Đề để đặt cho khu du lịch, như một cách để tưởng nhớ về công ơn của các bậc tiền nhân thuở khai hoang mở cõi”, ông Phúc nói.
Chuyện đôi vợ chồng mở đất
Hoạt động vui chơi giải trí tại Làng du lịch sinh thái Ông Đề.
Theo lời kể của ông Phúc, trong cuộc hành trình khẩn hoang đất phương Nam, những lưu dân xa xứ của 2 dòng họ Lê, Trần từ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chọn nơi đây để định cư.
Nhớ quê, họ lấy địa danh quê nhà đặt tên cho vùng đất mới. Cái tên con rạch Trường Tiền của Phong Điền ngày nay cũng khởi nguồn từ nguyên do ấy.
Thuở khai hoang lập ấp, trong dòng lưu dân trôi dạt đến từ miền Trung có đôi vợ chồng trẻ tên Lê Đề siêng năng, giỏi giang. Ngày ngày họ cày cuốc, khai hoang, đêm về còn phải đốt đuốc trần lưng đắp bờ bao giữ nước.
Đất không phụ công người, cuộc sống của vợ chồng Lê Đề ngày càng khấm khá. Trong nhà lúa đầy bồ, ngoài vườn cây trái xum xuê, gà vịt tung tăng, đất lành chim đậu. Cư dân tứ xứ thấy vậy kéo về nơi đây sinh sống và họ đều nhận được sự trợ giúp chí tình của vợ chồng ông Lê Đề.
Thậm chí, vợ chồng ông còn cho họ mượn tiền, vàng, dựng vợ gả chồng, giúp họ ổn định cơ ngơi ban đầu. Bằng uy tín của mình, vợ chồng ông Lê Đề còn đứng ra bảo lãnh với chính quyền địa phương cho những người không có giấy tờ, thất lạc nhân thân giúp họ yên tâm làm ăn, sinh sống.
Mùa xuân năm 1896, ông Đề mất, thọ 69 tuổi, cả làng tiếc thương. Ngày 20/2/1897 (Âm lịch), cả làng lúc bấy giờ mỗi người một tay giúp bà Đề tổ chức đám giỗ đầu cho ông Đề. Tương truyền đám giỗ đầu rất lớn, có rất nhiều người đến dự.
Sau đó, cuộc sống giản dị của dân làng yên ả trôi qua, mọi người tiếp tục ra đồng làm việc. Ngày 11/7/1897 (Âm lịch), mọi người không khỏi bàng hoàng khi tiếp tục nhận hung tin: “Bà Đề đã ra đi, về bên ông Đề”. Bà Đề thọ 66 tuổi.
Để tỏ lòng tiếc thương, ghi nhớ công ơn, dân làng họp nhau lại, thống nhất đặt tên con rạch xuyên qua làng là rạch Ông Đề. Mấy trăm năm qua, rạch Ông Đề mãi hiện hữu trong tâm thức của cư dân nơi đây qua hình ảnh con rạch đưa nước về tưới mát ruộng vườn…
“Cái tên rạch Ông Đề luôn nhắc nhở con cháu nhớ tới những người có công khẩn hoang, lập ấp nơi đây”, ông Phúc kể.
Hậu bối mở mang thêm vùng đất nổi danh
Khu du lịch Ông Đề được đặt theo tên của ông bà Đề ngày xưa để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân mở cõi.
Địa danh Ông Đề giờ thuộc địa bàn ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Nơi đây một thời nghèo khó, người dân sống cảnh vườn tược ruộng đồng, vất vả lo cái ăn cái mặc.
Khoảng 10 năm trở lại đây, tận dụng lợi thế của vùng đất cây lành trái ngọt, vành đai xanh của TP Cần Thơ, huyện Phong Ðiền đã phát triển mạnh nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch sinh thái với các vườn cây trái đặc sản và phong cảnh thanh bình miền sông nước.
Theo UBND huyện Phong Điền, đến nay đã có hơn 60 điểm du lịch hình thành ở huyện. Trong đó, Mỹ Khánh là một trong những xã tập trung nhiều điểm vườn, khu du lịch sinh thái nhất, với nhiều địa điểm nổi tiếng cả nước như: Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch Ông Ðề, vườn Chín Hồng, vườn Mười Cương…
Khi du lịch phát triển giúp nhiều ngành nghề “ăn theo”, từ đó, tạo ra vô số công ăn việc làm cho người dân, giúp cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng sống, từng bước làm giàu cho quê hương.
Chị Nguyễn Thùy Trang (du khách đến từ TP.HCM) chia sẻ: “Lúc rảnh rỗi, tôi và bạn bè hay rủ nhau về Mỹ Khánh du lịch. Trong đó, vẫn không quên ghé qua Làng du lịch sinh thái Ông Đề. Ở đó, câu chuyện về vợ chồng ông Đề như nhắc nhớ con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, cùng công ơn của các bậc tiền nhân mở cõi”…
“Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ, huyện Phong Điền là 1 trong 5 địa bàn trọng điểm với vai trò du lịch sinh thái miệt vườn, đô thị du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, tâm linh; tham quan chợ nổi... “Việc tổ chức lễ hội ông Đề là một lễ hội độc đáo, thu hút rất nhiều khách du lịch”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo baogiaothong.vn