Về Bắc Giang chọn hàng "độc" cho Tết
Trồng bưởi cảnh
Anh Đồng Văn Hải, thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) khá nổi tiếng bởi là người đi đầu trồng thành công bưởi cảnh trên địa bàn xã. Dẫn khách thăm cây, trong những chiếc chậu sứ là cây bưởi nhỏ quả vàng ươm sai trĩu, tỏa hương thơm ngát, anh Hải nói: “Những cây này đã có khách đặt. Dự kiến khoảng giữa tháng Chạp họ đến chở hàng về chưng Tết”.
Anh Đồng Văn Hải (bên phải) tỉa cành cho chậu bưởi cảnh. |
Vừa tỉa lá, tạo dáng cho cây, anh chia sẻ cơ duyên đến với nghề làm bưởi cảnh. Nhân đợt sắm Tết dạo quanh thị trường TP Bắc Giang, anh thấy có cây bưởi chậu nhỏ nhưng rất nhiều quả và được bán với giá cả triệu đồng. Hỏi một số khách hàng, anh biết, họ rất thích hương bưởi thoang thoảng trong nhà. Khi chưng bưởi vừa được ngắm lại có quả đãi khách. Vì vậy, vốn có kinh nghiệm gần chục năm trồng cây có múi, anh đã chuyển hướng sang trồng bưởi cảnh. Để nắm chắc kỹ thuật, chủ vườn lên mạng tìm hiểu và lặn lội về Hà Nội, Hưng Yên học hỏi kinh nghiệm.
Từ tháng 1 năm trước, gần 100 gốc bưởi Diễn 4 năm tuổi được anh Hải đánh gốc, chặt rễ cho vào chậu. Anh chọn 5 chậu làm thử nghiệm phục vụ Tết Nguyên đán năm nay. Do dinh dưỡng trong chậu ít nên anh chú trọng tưới nước, bón phân hữu cơ tăng gấp 2 hoặc 3 lần so với trồng ở vườn. Khi bưởi ra quả bằng cái chén, anh bọc túi ni lông cẩn thận, tránh bị ruồi đục quả. Tùy tình trạng của cây, anh tỉa lá, giữ quả phù hợp. Nhờ vậy, toàn bộ cây anh làm thử nghiệm đều cho quả sai, mã đẹp, bình quân 15-20 trái/cây. Những cây còn lại anh sẽ điều tiết, "bắt" quả cung cấp cho thị trường dịp Tết sang năm.
Hoa tulip khoe sắc trên đồng đất Việt Yên
Trong một lần vào thăm trang trại trồng hoa ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), bà Dương Thị Thủy, thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đã “kết” loài hoa tulip đủ sắc màu. Từ đó, bà nung nấu ý tưởng trồng loài hoa này tại quê mình. Vốn có kinh nghiệm và trồng thành công nhiều loài hoa truyền thống, năm ngoái, bà đầu tư trồng thử nghiệm 6 nghìn củ hoa tulip trong vườn.
Khu trồng hoa tuy líp của gia đình bà Dương Thị Thủy. |
Viện Rau quả T.Ư (Hà Nội) là đơn vị cung ứng giống và tư vấn kỹ thuật. Sản phẩm khi thu hoạch được khách đến tận nơi thu mua với giá 10 nghìn đồng/củ, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Kết quả bước đầu nằm ngoài mong đợi nên năm nay, bà tiếp tục trồng hai vạn củ để cung cấp cho thị trường Tết. Hoa có nhiều màu sắc rực rỡ như: Đỏ, tím, hồng, vàng, trắng.
Tulip là giống hoa ôn đới, ưa nhiệt độ lạnh nên không dễ trồng trong điều kiện thời tiết Bắc Giang. Do đó, ngoài nhập nguồn giống chính gốc từ Hà Lan, bà dùng lưới che toàn bộ khu vực trồng hoa để hạn chế ánh sáng, chống sương muối, mưa. Vào những ngày nắng nóng, không quản ngày đêm, vợ chồng bà bơm nước tưới thường xuyên, bảo đảm nhiệt độ trung bình luôn ở mức 15-17 độ C.
Vừa dồn từng nắm đất vào giá thể trồng hoa, bà Thủy vừa cho biết: “Đất trồng hoa phải được xử lý kỹ trước khi xuống giống, diệt trừ sâu bệnh lưu cữu. Cứ một tạ đất màu thì trộn khoảng 15-20 kg phân hữu cơ, sau đó cho vào chậu nhựa”. Thông thường mỗi chậu trồng 5 củ. Từ 7 - 10 ngày sau trồng, thường xuyên tưới nước để củ bật mầm và ra rễ tốt hơn; sau đó giảm dần lượng nước tưới, duy trì độ ẩm, để chậu trong bóng râm. Nếu giá bình quân tương đương năm ngoái, dự kiến vụ này, gia đình bà thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ trồng hoa tulip bán Tết.
Nuôi gà chọi vui hội xuân
Không chỉ nuôi gà chọi thương phẩm mà gần chục năm qua, anh Đồng Văn Nam, thôn Kim Tràng, xã Việt Lập (Tân Yên) còn áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt để có những “chú” gà chiến, bán với giá cao. Theo anh, mấy năm gần đây, chọi gà là trò chơi dân gian được tổ chức rộng rãi trong các lễ hội xuân, thu hút đông đảo người dân đến xem.
Anh Đồng Văn Nam chăm sóc đàn gà chọi. |
Tuy nhiên để có được những con gà ưng ý không phải ai cũng kiếm được. Nghĩ vậy, anh đã dành tâm sức "luyện" gà chọi, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với 10 chú gà chiến hiện có, vào chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, anh cùng những người nuôi gà chọi trong xã đem đến một địa điểm để vật nuôi tập luyện.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà, anh Nam cho rằng huấn luyện gà phải trải qua nhiều giai đoạn, đòi hỏi người nuôi kiên trì. Trước hết chọn gà giống chuẩn, không được lai tạp. Tuy gà chọi là giống có sức đề kháng cao nhưng không vì thế mà chủ quan. Giai đoạn gà con phải được chăm sóc, uống thuốc phòng bệnh đầy đủ, tuyệt đối không cho gà ăn cám công nghiệp. Khi gà trưởng thành, thức ăn chính là thóc ngâm, rau cỏ, thỉnh thoảng bổ sung một chút thịt bò và cho ăn đúng bữa.
Sau khi cho gà tập luyện xong, dùng khăn mặt tẩm nước đun từ lá tre, lá ổi, sả chườm lên đầu, cổ, đùi giúp gà nhanh hồi sức, có lớp da dày, cơ săn chắc. Đam mê, chăm sóc cẩn thận vật nuôi, những năm qua, anh đã “luyện” thành công hàng trăm con gà chiến. Giá bán hàng triệu đồng mỗi con, thậm chí có con lên tới cả chục triệu đồng mà vẫn không đủ để bán cho khách.
Theo Trịnh Lan - Nguyễn Tiến/Báo Bắc Giang