Vấn nạn cõng, gùi gỗ lậu thuê hoành hành ở rừng Pơ mu lớn nhất Đắk Lắk
Thời gian qua Cơ quan chức năng huyện Krông Bông (Đắk Lắk) liên tục phát hiện nhiều người dân chuyên đi gùi gỗ Pơ mu thuê trái phép nhưng chưa có chế tài nào để xử lý nghiêm hành vi này.
Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông, tính từ đầu năm 2021 tới nay huyện Krông Bông phát hiện 35 vụ khai thác, vận chuyển gỗ Pơ mu trái phép với tổng số gỗ lên đến 11,2m3. Đa phần số gỗ phát hiện nói trên đều được các đối tượng dùng sức người để gùi, cõng.
Ông Trần Văn Tùng - Hạt trưởng kiểm lâm Krông Bông mô tả cách thức gùi gỗ của các đối tượng. |
Theo ông Trần Văn Tùng – Hạt trưởng kiểm lâm huyện Krông Bông, thời gian qua trên địa bàn liên tục phát hiện và bắt giữ hàng chục đối tượng chuyên vào rừng cõng, gùi gỗ thuê, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Hàng loạt đối tượng cõng gỗ thuê bị bắt giữ ngay tại rừng. |
Theo ông Tùng, những đối tượng này thường đi cõng gỗ vào ban đêm, mỗi người có thể cõng, gùi được một tấc gỗ Pơ mu trên lưng dài 2,5m, dày khoảng 15cm, rộng 20-30cm và đi một quảng đường đồi núi rất xa, hiểm trở. Mỗi chuyến cõng như vậy họ được trả công khoảng 200 đến 300 ngàn đồng. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, họ bỏ gỗ lại rồi chạy mất hút vào rừng sâu nên rất khó bắt giữ người.
“Một khi bắt được những đối tượng gùi gỗ này chúng tôi cũng không thể xử lý được vì họ chỉ là người gùi gỗ thuê. Trong luật từ xưa tới nay không nói người là phương tiện vận chuyển giống như xe cộ hay phương tiện khác nên chưa có chế tài xử lý cụ thể…”, ông Tùng cho hay.
Một người gùi gỗ thuê bị bắt khi từ rừng ra. |
Về phương án lâu dài để xử lý dứt điểm tình trạng nói trên, ông Tùng thông tin, đơn vị đã nhiều lần ý kiến với Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk và Chi cục cũng đã có văn bản hỏi Cục kiểm lâm Việt Nam về chế tài xử phạt những người này, tuy nhiên đến nay cũng chưa có câu trả lời từ cấp trên nên khi phát hiện các vụ việc thì chỉ được thu gỗ, còn người thì phải thả.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Kiểm lâm Đắk Lắk cho rằng, rất khó xử phạt những người cõng gỗ thuê này vì họ chỉ đơn thuần là cõng gỗ thuê và không có hành vi khai thác cũng như không phải là phương tiện vận chuyển để có thể xử phạt.
Những người to khỏe có thể gùi được trên dưới 1 tấc gỗ. |
"Khi bắt được những người này, cơ quan chức năng phải rà soát, xác minh thật kỹ xem có hành vi khai thác không, nếu có thì xử lý được, còn không có thì không xử lý được. Chúng tôi đã có văn bản hỏi Cục kiểm lâm Việt Nam về hướng xử lý đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái phép đặc thù này nhưng chưa có câu trả lời từ cấp trên", ông Hưng cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, rừng Pơ mu ở Krông Bông hiện là cánh rừng chứa nhiều gỗ Pơ mu nhất còn sót lại ở Tây Nguyên. Trước đây, lâm tặc thường xuyên dùng những phương tiện hiện đại vào khai thác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng chức năng rất mạnh tay với lâm tặc nhằm bảo vệ cánh rừng này nên chúng đã chuyển sang hình thức khác kín kẽ hơn, dùng cách thuê người khai thác, gùi hay cõng về nhằm tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng.
Hàng trăm lóng gỗ vô chủ trong Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk: Lập hồ sơ khởi tố vụ án chuyển cho công an
Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đang hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án, chuyển cơ quan công an vụ hàng trăm lóng gỗ vô chủ nằm trong lâm phần Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đóng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Hải Dương