Ưu tiên hàng đầu xử lý các dự án thua lỗ lớn thay vì bán DNNN đang có hiệu quả
Giải quyết nhanh các DN yếu kém
Thảo luận tại Quốc hội sáng 16/06 về Dự thảo Luật quản lý nợ công, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ không đồng tình với đa số ý kiến đề nghị đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Theo lập luận của ông, nợ của doanh nghiệp nhà nước, nếu được Chính phủ bảo lãnh đã tính trong nợ Chính phủ bảo lãnh. Do đó, Chính phủ chịu trách nhiệm về khoản nợ đó và doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bình thường. Hiện nay chúng ta không phân biệt công tư và đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về khoản thu, chi của mình.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh). |
“Hàng ngày doanh nghiệp nhà nước đi vay buổi sáng, buổi chiều bán ra, thu nợ. Như vậy, nợ biến động liên tục. Nếu chúng ta quy định vào đây thì nợ công sẽ biến đổi từng giờ, từng phút, từng giây vì doanh nghiệp phải kinh doanh, vay nợ và phải trả nợ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không quan tâm, doanh nghiệp nhà nước sẽ được quản lý chặt chẽ trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại đơn vị đã được Quốc hội thông qua”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Bên cạnh đó, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị phải tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay chúng ta đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Chính phủ cần ưu tiên hàng đầu là phải giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập thật nhanh các dự án thua lỗ, chứ không phải ưu tiên hàng đầu cổ phần hóa các doanh nghiệp đang có lời.
“Vừa qua cứ doanh nghiệp nhà nước mà lời thì ta làm (cổ phần hóa – PV) trước, dẫn đến thất thoát. Trong khi vấn đề tồn đọng nhất chúng ta phải tập trung, đó là các doanh nghiệp yếu kém, phá sản, đắp chiếu mà chúng ta phải giải quyết”.
Ai quản lý nợ công?
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội), việc quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công cần phải rõ ràng, hiện nay đang quy định rất mập mờ giữa 3 Bộ ngành là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Ngân hàng Nhà nước.
Trong luật hiện nay đang quy định trách nhiệm như thẩm định, giám sát, đề xuất, báo cáo,... ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng những quy định như vậy không phải là trách nhiệm, mà là nhiệm vụ của cơ quan đó phải làm.
“Nếu không quy định trách nhiệm phải gánh chịu về hậu quả thì đương nhiên cơ quan nào cũng muốn nhận nợ về mình. Người đời xưa có một câu là "trên đời có 4 cái dại, trong đó có cái dại là lãnh nợ". Bởi vì ở đây không quy định lãnh nợ phải chịu trách nhiệm trả nợ nên lãnh nợ không phải là dại như người xưa nói. Do vậy tôi đề nghị phải quy định các cơ quan đi vay về cho vay lại hoặc bảo lãnh vay phải chịu trách nhiệm trả nợ thay nếu người vay không trả được nợ”.
Nợ công cuối năm 2015 đã ở mức 62,8% và Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 25 xác định trần nợ công là 65% GDP. ĐB Trần Hoàng Ngân đưa ra con số: “Bình quân 5 năm qua, chúng ta bội chi là 5,8% GDP mỗi năm, trong khi dự toán kế hoạch chỉ có 4,5% GDP. Vay ODA, vay ưu đãi vì có chữ “ưu đãi” lãi suất thấp nên chúng ta cũng đẩy nhanh việc vay và giải ngân cũng vượt mức lên tới 32,8 tỷ đô la trong 5 năm qua. Chi thường xuyên thì liên tục gia tăng, trong đó có chi cho chúng ta, khoản chi đó chiếm từ 55% tổng chi nay đã gần 70% tổng chi trong khoản chi ngân sách, đầu tư công hiệu quả thấp, tăng trưởng không đạt kế hoạch, thời gian thi công kéo dài dẫn đến nợ công rất cao”.
Vì vậy, Luật Quản lý nợ công cần phải đặt trong mối tương quan với các luật hiện hành như Luật Ngân sách nhà nước để kiểm soát chi ngân sách và khai thác các nguồn thu ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại đơn vị mà Quốc hội đã thông qua năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.