Ứng dụng nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế rất hiệu quả với bệnh không lây
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết lại có 7 ca là do các bệnh không lây nhiễm.
Hiện nay mới có trên 30% bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán. Bệnh tăng huyết áp trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán mới chiếm 43,1%... Do đó, việc chẩn đoán và phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm ở y tế cơ sở sẽ giúp việc quản lý và điều trị hiệu quả, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình, xã hội.
PGS Lương Ngọc Khuê cho biết, thực trạng quản lý bệnh không lây nhiễm trong hệ thống dự phòng, khám chữa bệnh hiện nay cho thấy, chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây nhiễm mạn tính đã có hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị được chuẩn hóa, phổ biến rộng rãi. Do vậy, việc người dân đổ lên các bệnh viện tuyến trên để khám, chữa các bệnh không lây nhiễm mạn tính vừa gây gia tăng chi phí, bội chi quỹ bảo hiểm y tế vừa mất công bằng với người bệnh do kinh phí chi trả chênh lệch nhiều trên một bệnh giữa các tuyến.
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, người mắc bệnh không lây nhiễm mạn tính tại các bệnh viện tuyến trung ương không được quản lý, theo dõi, tư vấn, điều trị liên tục theo nguyên lý y học gia đình mà chỉ nhận được các đơn thuốc khác nhau rất nhiều giữa bệnh viện các tuyến, giữa các bác sĩ trong cùng một bệnh viện. Kinh nghiệm quản lý bệnh không lây nhiễm của các nước cho thấy, quản lý, khám chữa bệnh không lây nhiễm chủ yếu thực hiện ở tuyến y tế cơ sở, chỉ chuyển đến bệnh viện người bệnh nặng, biến chứng; Thực hiện quản lý bệnh do bác sĩ thực hành tổng quát (GP), bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình (tương đương tuyến trạm y tế xã, phường) được trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc và được thanh toán bảo hiểm y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, các bệnh không lây nhiễm có chi phí phòng bệnh rất thấp nhưng mang lại hiệu quả lớn. Nếu công tác này được triển khai hiệu quả ngay từ tuyến y tế cơ sở sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời góp phần giúp ngành y tế Việt Nam sớm đạt được mục tiêu về quản lý bệnh không lây nhiễm.
Bộ Y tế kỳ vọng trong tương lai, việc kiểm soát, điều trị, phòng chống các bệnh mạn tính không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, huyết áp, các bệnh hô hấp mạn tính… sẽ do các trạm y tế phường, xã phụ trách. Ngành y tế Việt Nam cũng đưa ra một số chỉ tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Thêm vào đó, có trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2030.
Bộ Y tế đã thực hiện các khóa đào tạo nâng cao chất lượng chăm sóc quản lý sức khỏe nhân dân các bệnh mãn tính theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã, phường tại các địa phương trên cả nước. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên triển khai các khóa đào tạo nâng cao này.
Theo kế hoạch “Tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn giai đoạn 2018-2020” được Bộ Y tế ban hành, mục tiêu đến năm 2019, 100% trạm y tế được đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình.
Kế hoạch cũng đề ra một số mục tiêu cần đạt được trong năm 2020: ít nhất 70% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình; ít nhất 40% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình; ít nhất 40% người từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ đái tháo đường.