Ukraine và Litva đạt thỏa thuận “phá” dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga
Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Hôm 12/4, đại diện báo chí của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đưa ra thông báo, rằng mới đây tại Kiev, người đứng đầu nhà nước Ukraine đã thảo luận với Thủ tướng Litva Saulius Skvernelis về các vấn đề an ninh năng lượng châu Âu.
Bản báo cáo ghi nhận rằng các chính trị gia đã khẳng định sự cần thiết của công tác chung trong "các vấn đề cụ thể về an ninh năng lượng châu Âu", đó là tạo ra trở ngại đối với việc thực hiện Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2).
Ngoài ra, Ukraine tuyên bố ý định chính thức tham gia vào công việc của Trung tâm An ninh Năng lượng của NATO tại Vilnius.
Đại diện báo chí cho hay, các bên cũng thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại, bao gồm cả khả năng thu hút các khoản đầu tư mới của Litva vào Ukraine.
Trong diễn biến khác, ngày 12/4, Phần Lan đã thông qua lần cuối cho phép dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức chạy dưới đáy biển Baltic.
Thông báo từ Cơ quan Hành chính Khu vực miền Nam Phần Lan cho biết cơ quan này đã cấp giấy phép cần thiết cho việc xây dựng đường ống khí ga Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Luật Biển Phần Lan.
Hiện dự án này còn cần được Nga, Thụy Điển và Đan Mạch thông qua. Nếu được thông qua, việc xây dựng đường ống sẽ được bắt đầu sớm nhất là trong năm nay.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dự án "North Stream - 2" là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỷ m3 khí/ một năm từ bờ biển của Nga đi qua biển Baltic đến Đức, song song với đường ống "Dòng chảy phương Bắc" hiện tại. Trong tháng Ba vừa rồi, người đứng đầu Quốc hội Litva, Latvia và Ba Lan đã ký một tuyên bố chung tại Vilnius phản đối lại việc xây dựng dự án, với lý do cho rằng đó là một dự án địa chính trị, dựa trên một quyết định chính trị nhằm bỏ qua việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Theo các phương tiện truyền thông, Ukraine và Moldova cũng đã ký văn bản này.
Có rất nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng. Ba Lan, Litva và các nước khác trong khu vực cho rằng, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".