Ukraine nếu có thay đổi cũng chỉ “bình mới, rượu cũ”
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk bất ngờ tuyên bố từ chức |
Theo nhận định của giới phân tích quốc tế, việc ông Yatsenyuk phải lên tiếng tuyên bố sẽ từ chức là việc không thể tránh khỏi. Uy tín của Yatsenyuk trên chính trường Ukraine cũng như trong mắt của các “nhà tài trợ” quốc tế cho Ukraine đã sụt giảm nhanh chóng, nhất là đối với Mỹ.
“Yatsenyuk đã đánh mất sự ủng hộ của Mỹ kể từ mùa hè năm 2015, sau khi rời khỏi phòng họp với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và liên tục hút thuốc. Việc Yatsenyuk phải từ chức chỉ là vấn đề thời gian”- nhà phân tích chính trị nổi tiếng Ukraine Kost Bondarenko bình luận.
Tuy nhiên, quá trình từ chức của ông Yatsenyuk bị “kéo dài hơn so với dự kiến” là do hai nguyên nhân chính: liên minh cầm quyền của Ukraine đã không thể đạt được sự đồng thuận về việc tìm kiếm nhân vật thay thế Yatsenyuk, Quốc hội Ukraine không thể tìm được sự thống nhất trong việc bỏ phiếu miễn nhiệm đối với Yatsenyuk; đảng “Mặt trận dân tộc” của Yatsenyuk vẫn giữ được vị thế của mình trong liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên đến tháng 4/2016 này, tất cả các lý do trên đều hầu như đã không còn tác dụng. Thay thế Yatsenyuk trên cương vị Thủ tướng Ukraine nhiều khả năng sẽ là đương kim Chủ tịch Quốc hội hiện nay của nước này là Groysman. Hơn nữa, đảng “Mặt trận dân tộc” của Yatsenyuk cho biết sẽ không phản đối điều này.
“Chúng tôi ủng hộ quy chế ứng cử viên và chương trình hành động của ông Groysman. Chương trình hành động của Groysman bao gồm nhiều nội dung xã hội quan trọng như cải cách thuế, nâng cao thu nhập bình quân thêm 6%”- đại diện đảng “Mặt trận dân tộc” tuyên bố.
Trong khi đó, bản thân ông Yatsenyuk đã có bài phát biểu trên truyền hình khi quyết định sẽ từ chức. Giải thích về quyết định sẽ từ chức này, ông Yatsenyuk tự nhận thức rằng điều đó sẽ đem lại thiệt hại cho bản thân nhưng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Ukraine.
Chính quyền Ukraine không có chương trình hành động nào khác
Xét về mặt lý thuyết, chính quyền hiện nay ở Ukraine đã có cơ hội để tiến hành cải tổ mạnh mẽ sau khi Yatsenyuk “ra đi”. Kết quả điều hành đất nước của chính phủ được lập nên do Maidan là khá khiêm tốn.
“Trong hơn 1,5 năm cầm quyền của liên minh này, từng người dân và cả đất nước Ukraine đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Lạm phát lên đến 50%, đồng hrivna đã mất giá đến hai lần, thuế gia tăng với tốc độ 7%, nợ quốc gia lên đến hơn nửa nghìn tỷ hrivna. Đây chính là “kết quả đã đạt được” của chính phủ Yatsenyuk trong vòng hơn 1,5 năm qua”- đại diện phe đối lập Ukraine khẳng định.
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Yatsenuk (bên phải). |
Hiện tại, Tổng thống Poroshenko có thể đổ mọi lỗi lầm lên Thủ tướng Yatsenyuk và người kế nhiệm Groysman có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm về các tồn tại này.
Tuy nhiên trên thực tế, khả năng này khó có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, các định chế tài chính nước ngoài sẽ yêu cầu chính quyền Ukraine phải cắt giảm thực sự các khoản chi ngân sách của nước này. Đây được coi là điều kiện cần thiết để Ukraine có thể nhận thêm các gói tín dụng cứu trợ và các đảm bảo tài chính mới. Điều này cũng đồng nghĩa rằng cả Yatsenyuk, Groysman và Natalia Yaresko (Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm của Ukraine và có thể là ứng cử viên thay thế chức vụ Thủ tướng của Yatsenyuk) sẽ đều phải thực hiện yêu cầu này;
Thứ hai, bản chất của chế độ hiện nay và các chính sách của chính quyền Ukraine sau khi Yatsenyuk từ chức sẽ không thay đổi. Để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế theo hệ thống như hiện nay, giới cầm quyền ở Ukraine phải áp dụng hàng loạt các nỗ lực, ở khía cạnh nào đó là cả các nỗ lực mang tính chất cực đoan (ví dụ như thừa nhận nội chiến đang xảy ra ở Donbass, bắt đầu tiến hành cải tổ hệ thống kinh tế, ngừng các tác động của hiệp ước liên minh với EU, ngừng tạo thêm các hiềm khích với Moscow). Khả năng lớn là Groysman sẽ không thực hiện các bước đi này vì thực chất, Groysman được cho là người của Poroshenko nên sẽ sẵn sàng thực hiện tất cả các chỉ thị của Tổng thống.
Thứ ba, sau khi Yatsenyuk từ chức, chính phủ Ukraine cũng sẽ khó có thể xây dựng được chương trình hành động vì không có nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Hơn nữa, Yatsenyuk đã tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình. Điều này đồng nghĩ với việc Yatsenyuk sẽ vẫn tiếp tục có các chi phối đến hoạt động của liên minh cầm quyền.
Trên thực tế, đây chính là các vấn đề mang tính chất hệ thống của giới cầm quyền Ukraine. Quốc gia này hoàn toàn không có các thế hệ lãnh đạo trẻ có khả năng thay đổi được thực trạng hiện nay. Những nhân vật leo lên được đỉnh cao quyền lực nhờ các cuộc cách mạng Maidan đã bộc lộ sự non kém của mình.
Chính vì vậy, việc tiến hành bầu cử lại như phe đối lập Ukraine yêu cầu sẽ không dẫn đến bất cứ kết quả khả quan nào. Hơn nữa, khi Tổng thống Poroshenko vẫn quan tâm giải quyết các vấn đề khác như thúc đẩy xung đột với Nga, hình thành các lực lượng chống Nga, thúc đẩy các hoạt động kinh tế tư nhân… mà không “đoái hoài” gì đến các lợi ích của Ukraine nói chung thì những chính sách của Ukraine thời kỳ hậu Yatsenyuk cũng khó có thể có được nét gì mới mẻ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.