Ukraine mờ nhạt trong chính sách đối ngoại của TT Obama
Tạp chí The Atlantic hôm thứ Năm (ngày 10/3) đã đăng bài phỏng vấn với Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo đó nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh trọng tâm trong chính sách của Washington tại Trung Đông và Ukraine, bày tỏ ấn tượng sau các cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như sự thất vọng đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Mỹ Obama |
Ukraine không phải là vấn đề ưu tiên đối với Mỹ
“Thực tế Ukraine không phải là một quốc gia thành viên của NATO và luôn trong tình trạng dễ bị thương tổn do ưu thế quân sự từ phía Nga, song, điều đó không phụ thuộc vào những gì chúng ta (Mỹ) đang làm” – ông Obama nhận định.
Ngoài ra, theo Tổng thống Mỹ, đối với Nga, Ukraine là một trong những lợi ích chính, hướng ưu tiên (trọng tâm) trong chính sách đối ngoại, còn đối với Mỹ thì không phải như vậy.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa nhắc tới sự can thiệp của Nga trong các vấn đề nội bộ của Ukraine - cáo buộc mà Nga đã nhiều lần bác bỏ.
Theo ông Obama: “Quan điểm cho rằng Nga hiện đang có vị thế mạnh hơn tại Ukraine và Syria so với thời điểm trước khi quốc gia này “xâm lược” Ukraine và can thiệp quân sự vào Syria là hoàn toàn sai về mặt bản chất trong các vấn đề quốc tế nói chung”.
“Sức mạnh thật sự là khi bạn có thể đạt những gì mình muốn mà không cần phải dùng tới bạo lực. Nga đã mạnh hơn rất nhiều trong khi Ukraine bề ngoài là một quốc gia độc lập, nhưng thực chất lại theo chế độ “đạo tặc” và rất dễ bị giật dây” – Tổng thống Mỹ bổ sung.
Theo giới phân tích quốc tế, với những tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ - Obama, dường như Mỹ đang ngày càng ‘lạnh nhạt’ với Ukraine.
Không chỉ Mỹ mà dường như cả EU, NATO cũng không còn “mặn mà” với Ukraine khi mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thậm chí còn lên tiếng khẳng định rằng Ukraine sẽ không “có cửa” gia nhập EU hoặc NATO trong vòng 20-25 năm nữa.
“Chắc chắn Ukraine sẽ không thể gia nhập EU trong vòng 20-25 năm nữa và quy chế thành viên NATO cho Ukraine cũng sẽ như vậy”- Jean-Claude Juncker tuyên bố.
Những ảo tưởng đã mất
Theo The Atlantic, trước đó ông Barack Obama đánh giá Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là "nhà lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa, người sẽ vượt qua được khoảng cách giữa phương Đông và phương Tây".
Nhưng hiện giờ, Tổng thống Mỹ lại gọi ông Erdogan là "nhà lãnh đạo độc tài và kẻ thua cuộc” vì ông này đã từ chối sử dụng quân đội của mình nhằm đảm bảo tình hình ổn định cho Syria.
Ngoài ra, The Atlantic cho hay, mối quan hệ giữa ông Obama và chính quyền Ả Rập Xê Út cũng như Israel đang diễn biến phức tạp. Không lâu trước đây, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng “ông ấy đang thiếu một vài nhà lãnh đạo độc tài có trí tuệ ở Trung Đông”.
Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Những đề xuất liên quan đến Syria của Ngoại trưởng Mỹ
The Atlantic còn thông tin, vào năm ngoái Ngoại trưởng Mỹ đã nhiều lần đề nghị Tổng thống Obama sử dụng tên lửa hành trình để tấn công vào các mục tiêu của chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên lãnh thổ Syria.
“Mục đích của hoạt động tấn công này, theo ông Kerry, không phải là lật đổ chế độ của Tổng thống Assad, mà để buộc ông này cũng như Iran và Nga phải đi tới thương lượng về hòa bình” - ấn bản viết.
Tổng thống Obama đã liên tục từ chối những yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ và cuối cùng mất kiên nhẫn mà tuyên bố rằng, chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới có quyền đề xuất những sáng kiến về can thiệp quân sự với ông.
Sáng kiến tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria
Bài báo cũng trích dẫn hồi tưởng của ông Obama khẳng định, ông chính là tác giả của đề xuất phá hủy vũ khí hóa học tại Syria đưa ra năm 2013 nhằm ngăn chặn các hành động quân sự chống lại quốc gia Trung Đông này.
“Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở St Petersburg, sau một tuần đắn đo suy nghĩ về tình hình Syria, theo hồi ức của mình Tổng thống Obama đã nói với Tổng thống Putin rằng “nếu chúng ta buộc ông Assad hủy bỏ vũ khí hóa học thì sẽ tránh được sự cần thiết phải can thiệp quân sự tại Syria” - nhà báo Goldberg, người từng được diện kiến ông Obama tại Nhà Trắng cho biết.
Năm 2013, Mỹ cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường. Ban đầu ông Obama dự định hành động theo sáng kiến riêng của mình, nhưng sau đó Tổng thống Mỹ đã đệ trình Quốc hội thông qua nghị quyết chính thức.
Đa số các thành viên Quốc hội Mỹ phản đối đề xuất của ông Obama. Tháng 9/2013, Nga đưa ra sáng kiến tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria dưới sự giám sát của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Tổng thống Mỹ đồng ý với sáng kiến này và hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria đã được ngăn chặn kịp thời. Kho vũ khí hóa học đã được đưa ra khỏi lãnh thổ Syria và tiêu hủy thành công: cuối tháng 10/2014 OPCW tuyên bố 97,8% số vũ khí hóa học được dùng cho mục đích quân sự của Syria đã bị tiêu hủy.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin (bên phải). |
Những cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin
Tổng thống Barack Obama cũng chia sẻ ấn tượng của ông trong những cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Trong tất cả các cuộc gặp giữa chúng tôi, ông Putin tỏ ra vô cùng lịch sự và cởi mở. Các cuộc họp được tổ chức chuyên nghiệp. Ông ấy chưa bao giờ bắt tôi phải chờ đợi như những lãnh đạo khác” – nhà lãnh đạo Mỹ nhận xét.
Theo Tổng thống Mỹ, ông Putin cũng hiểu là vị thế của Nga trên trường quốc tế đang suy yếu. “Ông ấy luôn nhất quán quan tâm đến hợp tác với chúng tôi và rất mong muốn rằng chúng tôi sẽ đối với ông ấy như đối với đối tác. Nói chung ông ấy hiểu rằng vị thế của Nga trên trường quốc tế đã suy giảm đáng kể”- Obama khẳng định.
Tổng thống Mỹ cũng đánh giá cao sự tham gia của Tổng thống Nga Putin vào các diễn đàn quốc tế khi khẳng định: “Ông ấy không bao giờ vắng mặt tại bất cứ cuộc gặp nào mà có chương trình nghị sự cụ thể, ngoại trừ Hội nghị thượng đỉnh G-20”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.