Ukraine: Lãnh đạo 2 khối "choảng nhau" ngay tại Quốc hội
Cuộc ẩu đả xảy ra sau khi ông Oleg Lyashko nói rằng, ông Boyko thường lui tới điện Kremlin để nhận chỉ thị.
"Boyko và Lyovochkin thường xuyên đến Moscow, nhận chỉ thị tại điện Kremlin. Nhân đây, tôi có một câu hỏi dành cho SBU (Cơ quan an ninh Ukraine) rằng, tại sao họ đi đến Moscow mà bây giờ vẫn chưa bị vào tù?", người đứng đầu đảng Cấp tiến Oleg Lyashko nói.
thủ lĩnh đảng Cấp tiến Oleg Lyashko |
Vị đại biểu "bị xúc phạm" Boyko đã bật dậy khỏi chỗ ngồi và đấm vào mặt người đứng đầu đảng Cấp tiến Oleg Lyashko.
Các đồng nghiệp đã kéo hai vị đại biểu ra. Song ông Lyashko vẫn tiếp tục nói và một lần nữa xúc phạm ông Boyko, gọi ông này là "kẻ cặn bã của cựu Tổng thống Yanukovych". Về phần mình, lãnh đạo "khối Đối Lập" tiếp tục đánh ông Lyashko. Chủ tịch Quốc hội Andrew Paruby kêu gọi các đồng nghiệp giữ kỷ luật và yêu cầu ông Boyko cư xử đúng mực, sau đó ông này đã lặng lẽ rời khỏi cuộc họp.
Trong một diễn biến khác, Quốc hội Ukraine cho rằng, phe đối lập đang cản trở việc áp dụng chế độ miễn thị thực từ EU
Các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức tại Kiev nhằm phá hoại việc EU cấp cho Ukraine chế độ miễn thị thực, phó chủ tịch đảng phái lớn nhất trong Quốc hội Ukraine "Khối Petro Poroshenko", phu nhân Tổng công tố viên - Irina Lutsenko cho biết vào hôm thứ Hai (14/11).
"Phe đối lập dự kiến phong tỏa Ngân hàng Quốc gia và khu vực tòa nhà chính phủ nhằm mục đích làm suy yếu đồng grivna, mà vẫn đang ổn định từ giữa năm 2015. Việc tổ chức biểu tình chống lại các mức thuế mới là không rõ ràng và thiếu thuyết phục. Vì chính phủ của Thủ tướng Vladimir Groisman đang phân chia hàng tỷ grivna để mọi người đều được nhận trợ cấp", bà Lutsenko cho biết trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo các đảng phái trong quốc hội.
Theo quan điểm của bà, Nga dường như đang cố gắng phá hủy quyết định về việc bãi bỏ thị thực đối với người Ukraine, trong đó, theo bà Lutsenko, cần được thông qua vào ngày 24/11 tại Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Ukraine.
"Chúng tôi cũng như chính phủ kêu gọi người dân Ukraine có ý thức không ủng hộ những hành động này", bà nghị sỹ nói thêm.
Trước đó, Cơ quan an ninh Ukraine cáo buộc Nga đứng sau các hành động biểu tình quần chúng. Theo cơ quan tình báo, những nỗ lực gây bất ổn sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 15/11 với hoạt động phản đối trên toàn Ukraine của những người gửi tiền ngân hàng, và vào ngày 17/11 trọng tâm chính của cuộc biểu tình chuyển sang vấn đề về tăng mức thuế. Hạ viện Nga coi những cáo buộc của Cơ quan an ninh Ukraine là sự công kích và dối trá.