"Ukraine không dễ bỏ Nga để đến với châu Âu"
Trong bối cảnh chính quyền Kiev thân phương Tây cố gắng dịch chuyển nền kinh tế quốc gia ra khỏi vòng xoáy của Nga, Ukraine đã tham gia ký kết một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nhận khoản vay hàng tỷ USD và viện trợ từ các quốc gia phương Tây.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển nền kinh tế từ chỗ thân Nga sang thân phương Tây đối với Kiev không phải là điều dễ dàng. Khi mà, phần lớn nền công nghiệp nặng có từ thời Liên Xô cũ của Ukraine đã thiết lập mối quan hệ lâu dài với Nga và đang phải thay đổi để cạnh tranh ở thị trường châu Âu.
Công nhân làm việc tại nhà máyBerdychiv thuộc công ty Tiến bộ. |
"Chúng tôi không thể ngừng giao thương với Nga. Tôi có hàng ngàn công nhân ở nhà máy. Tất cả họ đều cần tiền để nuôi gia đình", tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời ông Ihor Shchesnyakov (46 tuổi), Giám đốc nhà máy Tiến bộ chuyên sản xuất máy móc, cách Kiev hai giờ ô tô chạy về phía tây, chia sẻ.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê số liệu quốc gia Ukraine, so với năm ngoái, cuộc chiến tại miền đông Ukraine đã khiến hoạt động xuất khẩu sang Nga giảm mất 61,3% xuống còn 1 tỷ USD trong quý I năm 2015. Còn hoạt động xuất khẩu sang EU đã giảm mất 1,3% xuống còn 3,3 tỷ USD. Cũng trong quý I năm nay, GDP của Ukraine đã sụt giảm mất 17,6% trong đó sản lượng công nghiệp giảm 1/5.
WSJ cho hay chịu thiệt hại nặng nề nhất là những nhà máy ở trong và xung quanh khu vực chiến sự miền đông Ukraine khi mà các thiết bị sản xuất bị phá hủy và hoạt động cung ứng bị gián đoạn.
Việc cắt đứt quan hệ làm ăn với Nga đã khiến nhiều nhà máy như công ty Tiến bộ mà doanh thu lâu nay phụ thuộc vào khách hàng Nga, đang phải điêu đứng tìm kiếm nguồn khách hàng mới ở EU.
Trong giai đoạn thập niên 80, Tiến bộ là tâm điểm của cả thành phố với 80.000 người dân sinh sống ở miền đông Ukraine khi cung cấp việc làm cho 7.600 người. Công ty này còn cho xây dựng các khu liên hợp thể thao và bể bơi phục vụ người dân. Hàng ngày, những chiếc tàu chở hàng tới Nga lại tấp nập chất hàng từ nhà máy.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, hoạt động kinh doanh và sản xuất của nhà máy đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tới năm 2013, nhà máy bắt đầu làm ăn có lãi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng khi cuộc chiến tại miền đông Ukraine bùng phát, một lần nữa, nhà máy lại rơi vào khó khăn.
Theo đó, Nga đã ra lệnh cấm nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Ukraine, thủ tục hải quan cũng khắt khe hơn đồng thời khuyến khích người dân Nga dùng hàng nội địa. Theo ông Shchesnyakov, các đơn hàng từ Nga đã giảm mất 2/3 trong vòng 2 năm qua. Còn doanh thu từ châu Âu và Mỹ mới chỉ tăng không đáng kể.
Giới chức Moscow nhận định Ukraine cần tham gia Liên minh Kinh tế Âu Á mà Nga mới thành lập nếu muốn khôi phục mối quan hệ thương mại giữa hai nước đồng thời xem xét lại thỏa thuận thương mại tự do đã ký với EU hoặc đối mặt với các lệnh cấm vận.
"Châu Âu không cần chúng tôi. Mặc dù, chúng tôi đang cố gắng tiếp cận thị trường châu Âu nhưng thị phần của chúng tôi quá nhỏ và không hề tăng trưởng", giám đốc nhà máy Tiến bộ nói.
Ngay cả các tập đoàn lớn ở Ukraine cũng đang rơi vào khủng hoảng bao gồm những nhà máy sản xuất ống dẫn khí đốt và toa xe lửa. Trong khi đó, nhà máy sản xuất thép lớn nhất ở Ukraine mang tên ArcelorMittal đã dừng mọi hoạt động buôn bán với Nga và đang tìm kiếm các khách hàng mới ở Trung Đông và Bắc Phi.
Trong năm ngoái, chỉ riêng hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine như ngũ cốc là chịu sụt giảm nhẹ do mặt hàng này không phụ thuộc vào thị trường Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.