Ukraine: Đấu đá nội bộ, chính phủ hỗn loạn
Có thể thấy rằng, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang tỏ ra lo lắng, từ việc ông vội vàng gửi lời mời yêu cầu đại sứ các nước trong nhóm G7 đến dự một cuộc họp vào ngày 12/2 tới. Theo ông Jan Tombinski, đặc phái viên EU tại Ukraine, nội dung của cuộc gặp này sẽ là về tình trạng của chính phủ Ukraine.
Chính phủ Ukraine đang trải qua một cuộc tranh giành quyền lực căng thẳng. |
Cuộc họp diễn ra sau khi Bộ trưởng Bộ kinh tế Ukraine Aivaras Abromavicius bất ngờ đệ đơn từ chức vào ngày 3/2 vừa qua. Ông giải thích rằng quyết định của ông xuất phát từ việc bộ của ông phải chịu sức ép từ nhiều chính trị gia thuộc đảng của Tổng thống. “Cấp dưới và tôi không muốn làm bù nhìn che đậy các hoạt động tha hóa biến chất”, ông nói.
Ông cũng nêu ra một cái tên đáng chú ý. Đó là Ihor Kononenko, phó chủ tịch nhóm nghị sĩ quốc hội của Khối Petro Poroshenko, doanh nhân và là một trong những đồng minh thân cận của ông Poroshenko. Ông Abromavicius buộc tội ông Kononenko có ý thiên vị khi cất nhắc một số người vào những vị trí cao trong các công ty thuộc sở hữu của chính phủ.
Ông Kononenko phủ nhận những cáo buộc trên. Vụ việc hiện đang được cơ quan chống tham nhũng của Ukraine điều tra.
Ngay sau khi ông Abromavicius đệ đơn từ chức, Tổng thống Poroshenko đã cố gắng thuyết phục Bộ trưởng Bộ Kinh tế đổi ý song không thành công. Dù vậy, quốc hội vẫn phải bầu cử để xét duyệt đơn từ chức của ông và hiện vẫn chưa rõ kết quả sẽ ra sao. Một số đồng nghiệp trong bộ của ông cũng đã xin từ chức.
Phản ứng của đại sứ các nước phương Tây cho thấy tình hình trở nên phức tạp như thế nào. Chỉ vài tiếng sau khi ông Abromavicius từ chức, họ đều đưa ra thông báo bày tỏ sự tiếc nuối trước sự ra đi của một bộ trưởng “đã mang đến những kết quả thiết thực trong quá trình cải cách ở Ukraine”.
Họ cũng khen ngợi những nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế vốn đầy rẫy những vấn đề cũng như cam kết chống tham nhũng và nâng cao tính minh bạch trong nội bộ chính phủ. Đại sứ các nước cũng kêu gọi chính phủ Ukraine hãy bỏ qua những bất đồng để hợp tác đưa đất nước phát triển trở lại.
Ông Abromavicius là một trong những nhân vật quan trọng trong đảng của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Vị chính trị gia 40 tuổi nay vốn là một trong 3 bộ trưởng người nước ngoài, tính đến nay đã nhậm chức khoảng 1 năm nay. Ông cũng là người đã giúp đàm phán để Ukraine có thể có được khoản vạy hàng tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để có thể đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ.
Phe của Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk cáo buộc nhau tội tham nhũng. |
Một số chuyên gia cho biết, giờ đây Ukraine có thể sẽ không có được viện trợ tài chính. “Các đội tác phương Tây sẽ gửi Tổng thống Poroshenko một tối hậu thư”, ông Hlib Wyschlinski, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Kiev cho biết. “Nếu công cuộc cải cách chấm dứt, viện trợ cũng sẽ bị cắt. Ukraine không còn lựa chọn nào khác”.
Nhà phân tích chính trị người Đức Andreas Umland cũng có nhận định tương tự. Ông không loại trừ khả năng những sự việc xảy ra ở Kiev có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị lớn.
Nhiều chính trị gia Ukraine dường như cũng có nhận xét như trên. Chủ tịch Quốc hội Ukraine Wolodymyr Hrojsman mới đây cảnh báo rằng “một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng” đang dần diễn ra. Thủ tướng Yatsenyuk cho biết mặc dù ông tôn trọng mong muốn của những quan chức từ chức, việc làm này cũng giống như “đào ngũ khỏi chiến trường”. Ông cũng lên án những chỉ trích đối với chính phủ của ông.
Bản thân ông Yatsenyuk cũng đang trong tình cảnh ngặt ngèo. Đảng của ông chỉ có tỉ lệ tín nhiệm chưa đến con số hàng chục trong vài tháng qua. Các chính trị gia trong đảng của ông Poroshenko liên tục cáo buộc ông có liên quan đến những hình thức tham nhũng và yêu cầu ông từ chức.
Nhiều thanh sát viên coi hành động của ông Abromavicius là minh chứng cho thấy cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng Ukraine đang leo thang. Nếu không có phe của ông Yatsenyuk, trong quốc hội sẽ không có đối trọng và Ukraine sẽ phải tiến hành bầu cử toàn quốc sớm.
Các chuyên gia chính trị ở Kiev tin rằng, chính những sức ép của các nước phương Tây đang giúp chính phủ và quốc hội Ukraine tránh khỏi sụp đổ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang tin DW của Đài truyền hình quốc tế DW (Đức), chuyên đưa các tin và bài phân tích về các nền văn hóa và con người trên thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia dân tộc.