Ukraine: "Con tốt thí" trong cuộc chiến vùi dập Nga của phương Tây
"Nhiều người cho rằng Ukraine vỡ nợ là điều phương Tây không mong muốn. Đối với Ukraine, đây là cách để trốn tránh nghĩa vụ trả một phần khoản nợ nần hiện nay. Song, đối với châu Âu, Kiev phá sản sẽ đồng nghĩa với việc họ không cần phải tài trợ thêm cho quốc gia nợ nần 'kinh niên' này. Trong khi đó, từ các công ty nhà nước cho tới tư nhân và các ngân hàng hợp tác làm ăn với Ukraine của Nga sẽ phải chịu cảnh thua thiệt khi phải xóa bỏ những khoản nợ trị giá lên tới hàng tỷ USD cho Ukraine", Nezavisimaya Gazeta đưa tin.
"Không loại trừ khả năng Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) đang cố gắng đẩy Nga vào cảnh buộc phải viện trợ cho Ukraine trước mối lo Kiev đang đứng trên bờ vực phá sản", Russia & India Report dẫn lời của Phó chủ tịch Viện CIS, ông Vladimir Zharikhin.
Nền kinh tế Nga chịu tác động lớn dưới sức ép từ lệnh trừng phạt của phương Tây. |
"Trong trường hợp này, Nga sẽ không thể thu hồi số tiền nợ từ các hóa đơn mua khí đốt của Ukraine cùng khoản nợ 3 tỷ USD mà trước đó Kiev buộc phải trả vào cuối năm nay. Ngoài ra, hậu quả từ tình trạng rối loạn chính trị và xã hội sẽ đẩy một lượng lớn người di cư từ Ukraine đổ sang Nga" theo ông Zharikhin.
Trong khi đó, ông Mikhail Delyagin, Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế tại Nga cho rằng việc đẩy Ukraine vào cảnh phá sản là một chính sách đã được phương Tây "cân đo đong đếm thận trọng".
"Phá sản sẽ giúp Ukraine chỉ phải chi trả ở mức thấp hoặc thậm chí là miễn phí đối với các khoản nợ xây dựng hệ thống năng lượng, hệ thống vận chuyển khí đốt, cầu cảng, khai thác khoáng sản. Chắc chắn, Nga sẽ phải xóa bỏ những khoản nợ lớn cho Ukraine trong khi phương Tây lại không phải làm như vậy", ông Delyagin nói.
Còn theo tiết lộ của nhật báo kinh doanh Kommersant, vòng đàm phán tiếp theo nhằm tìm ra hướng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại vùng Donbass, miền đông Ukraine sẽ được tổ chức tại Minsk vào cuối tháng này.
Theo một đoạn băng ghi lại cuộc họp trước đó, cả giới chức Kiev và các đại diện Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng tại miền đông Ukraine đã cùng đồng thuận sẵn sàng tiếp tục đối thoại bất chấp khả năng các cuộc đàm phán thất bại.
Xe quân sự của lực lượng Ukraine được triển khai tại thành phố Mariupol. |
Trong những cuộc họp này, cả Tổng thống Belarus và Kazakhstan cũng tham gia với vai trò là những nhà hòa giải. Tuy nhiên, nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine hiện đứng trước nguy cơ thất bại khi mà cả 2 bên đàm phán không hề có chung mục đích để tiến tới thỏa thuận hòa bình. Trong khi, Kiev tìm cách tái thống nhất chủ quyền lãnh thổ tại khu vực miền đông, thì Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng lại chỉ quan tâm tới những điều kiện giúp họ gây dựng lên một thể chế nhà nước độc lập.
Điểm đáng nói, trong đoạn video trên, cả hai bên đều phủ nhận rằng họ đã đưa ra những lời cáo buộc lẫn nhau liên quan tới việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông Denis Pushilin, đại diện cấp cao của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, hai bên đều hài lòng với thỏa thuận ngừng bắn vốn nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và được thi hành từ ngày 9/12 tới nay.
Quan hệ Nga – Mỹ sẽ xấu đi trong nhiều thập niên tới
Theo RT, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng những động thái thù địch gần đây của Tổng thống Poroshenko và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy Ukraine trở thành một đối thủ tiềm năng của Nga. Thậm chí, nó còn làm "tổn thương" mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trong hàng thập niên tới.
Trên tài khoản Facebook hôm 23/12, ông Medvedev đã bình luận về Luật “Hành động ủng hộ tự do tại Ukraine” đã được Tổng thống Obama ký hồi tuần trước cũng như ý định của Quốc hội Ukraine về việc hủy bỏ một bộ luật vốn ngăn cản Kiev tiến tới gia nhập khối liên minh quân sự NATO.
Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh nếu Ukraine thay đổi hiện trạng hoạt động bên ngoài khối NATO, về bản chất, họ sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Điều này dẫn tới mối quan hệ đối đầu giữa Ukraine và Nga.
Quyết tâm gia nhập NATO của Ukraine đẩy họ trở thành đối thủ tiềm năng của Nga. |
Hồi tuần trước, ông Medvedev đã cho đăng một bài báo cảnh báo Ukraine rằng chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy họ vào cuộc khủng hoảng toàn diện.
"Trước tiên, EU cần Ukraine bởi quốc gia này là nguồn cung nguyên liệu thô và rõ ràng, Ukraine còn là một thị trường mới mở đối với các công ty châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay, không một quốc gia nào vội vàng mời Ukraine tham gia vào bàn đàm phán chung của châu Âu với cương vị là một đối tác bình đẳng. Họ chỉ muốn biến Ukraine thành một cô bạn gái để đi hẹn hò chứ không bao giờ kết thúc mối quan hệ bằng một đám cưới", Thủ tướng Nga viết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report và RT.