Ukraine căng thẳng, Nga dọa dùng hạt nhân để ngăn NATO
GlobalPost nhận định động thái này cho thấy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ngày càng xấu hơn liên quan tới tình hình chiến sự leo thang tại Ukraine.
Hôm 2/9, trả lời hãng tin RIA Novosti, Mikhail Popov, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho biết Moscow sẽ thay đổi học thuyết quân sự năm 2010 để chuẩn bị cho "những mối đe dọa quân sự mới" từ bất ổn tại khu vực Trung Đông cho tới cuộc chiến giữa phe ly khai miền đông Ukraine và quân đội Kiev suốt vài tháng qua.
Xe chiến đấu phòng khôngBMD-2 của Nga tham gia cuộc diễn tập tại trường bắnChebarkul. |
Theo ông Popov, một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất hiện nay là việc NATO mở rộng địa bàn hoạt động sang phía đông trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang trong giai đoạn ảm đạm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Theo đó, các đồng minh châu Âu của Ukraine đang phát động một "chiến dịch tuyên truyền chưa từng có" nhằm biến Nga trở thành kẻ thù.
Lời bình luận của ông Popov được đưa ra sau vài ngày, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đề nghị quốc hội nước này phá bỏ bộ luật về tính trung lập của Ukraine. Đây được xem là động thái mở đầu cho con đường gia nhập liên minh quân sự NATO của Ukraine.
Theo New York Times, đơn vị phản ứng nhanh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nước mới gia nhập NATO như Ba Lan, quốc gia từng là vệ tinh của Liên Xô cũ nhưng nay lại coi Tổng thống Vladimir Putin là mối đe dọa và không đáng tin cậy.
Phản ứng trước mục đích thành lập lực lượng phản ứng nhanh của NATO, Nga cho rằng đây là hành động nhất thời và đáng lo ngại.
Trong khi đó, ông Popov nhận định kế hoạch quân sự của phương Tây là "bằng chứng về mong muốn của các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO về việc tiếp tục theo đuổi chính sách gia tăng căng thửng với Nga".
Theo ông Popov, học thuyết quân sự năm 2010 của Nga – văn bản vốn cho phép sử dụng các loại vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia, cần được cân nhắc sửa đổi để đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ hệ thống phòng thủ tên lửa sắp được NATO và châu Âu triển khai.
Trong tuyên bố trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết các lực lượng vũ trang Nga sẽ tăng thêm sức mạnh bằng việc triển khai 230 chiếc trực thăng và máy bay quân sự vào cuối năm nay.
Đặc biệt, vào ngày mai (4/9), các đại diện trong khối NATO sẽ nhóm họp trong cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức tại Wales để thông qua việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh nhằm giải quyết mối đe dọa như tuyên bố của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm 1/9 về "thái độ hung hăng của Nga".
Trong tuyên bố hôm 1/9, ông Rasmussen nhấn mạnh NATO sẽ triển khai "Kế hoạch hành động sẵn sàng" để thành lập "mũi nhọn tấn công" và thiết lập "sự hiện diện ngày càng rõ của NATO tại khu vực phía Đông ngay khi cần thiết". "Lực lượng phản ứng nhanh sẽ giúp hoạt động của NATO trở nên mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và linh hoạt hơn để đáp trả trước mọi thách thức an ninh", ông Rasmussen chia sẻ.
Những chiếc ô tô bị phá hủy sau đợt tấn công đạn pháo tại quậnMirny thuộcLugansk. |
Mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và phương Tây ngày càng trở nên sâu sắc trong những ngày gần đây trước việc nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Nga đang tham chiến tại miền đông Ukraine giúp phe ly khai phản công lại quân đội chính phủ Kiev, đồng thời mở rộng mặt trận chiến đấu sang phía nam và giành lại quyền kiểm soát các vùng đất vốn bị chính phủ chiếm đóng.
Lâu nay, giới chức quân sự Kiev cáo buộc rằng Nga đã cử binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới hỗ trợ quân ly khai tại miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow vẫn phủ nhận mọi lời chỉ trích, buộc tội từ phía các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Hôm 2/9, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine, Andriy Lysenko cho biết quân đội Nga đang củng cố vị trí chiến đấu tại một vài thị trấn và thành phố tại khu vực phía đông nước này.
Còn trong ngày 1/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeriy Heletey đã cảnh báo cuộc chiến tồi tệ hiện nay tại miền đông vốn cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người trong đó hơn một nửa là dân thường vô tội, có nguy cơ biến thành một "cuộc đại chiến". Theo đó, con số thương vong sẽ "không chỉ được tính bằng trăm mà hàng ngàn và thậm chí hàng chục ngàn".
"Chúng tôi cần khẩn cấp nhanh chóng phòng thủ trước Nga bởi Moscow không chỉ muốn củng cố sức mạnh kiểm soát tại những khu vực vốn bị quân khủng bố chiếm đóng mà cả nhiều khu vực khác trên lãnh thổ Ukraine", ông Heletey viết trên trang cá nhân Facebook.
Tàu thuyền của Hải quân Nga thả neo tại thành phố cảngSevastopol tại Crimea. |
Tuy nhiên, Moscow vẫn khăng khăng phủ nhận mọi cáo buộc từ Ukraine và nhận định chính Kiev đang tự thổi bùng ngọn lửa chiến sự căng thẳng.
Theo Reuters, hôm 2/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng đây chính là "bữa tiệc chiến tranh tại Kiev" đồng thời hối thúc Mỹ tiến hành "thảo luận theo hướng khôn ngoan" với các đồng minh của Ukraine.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lavror nhấn mạnh Nga chỉ đóng vai trò là nhà kiến tạo hòa bình trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine như tuyên bố trước đây của Tổng thống Putin. Song ý định này đã bị đưa vào vòng nghi vấn nhất là sau lời phát biểu của ông Putin với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso rằng: "Nếu tôi muốn, tôi có thể chiếm Kiev chỉ trong 2 tuần",
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lên tiếng cáo buộc "lực lượng khủng bố mặc quân phục Nga đã tấn công vào đoàn y tế chở các binh sĩ bị thương tại chiến trường.
Tuy nhiên, Moscow vẫn bác bỏ mọi lời buộc tội rằng nước này điều động hoặc lên kế hoạch triển khai binh sĩ tới miền đông Ukraine để trợ giúp quân ly khai mở rộng hành lang hoạt động dọc khu vực Biển Azov, nằm giữa biên giới Nga và bán đảo Crimea vốn được Kremlin sáp nhập hồi tháng Ba.
Trái lại, một số thủ lĩnh ly khai tại miền đông Ukraine lại thừa nhận rằng không ít binh sĩ Nga tự do và đang trong kỳ nghỉ đang xuất hiện trong hàng ngũ chống lại quân đội Kiev của họ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ GlobalPost, RIA Novosti, Telegraph và Reuters.