Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm được điều không ngờ sau khi sở hữu Vinmart
Sau khi về tay Masan, năng suất lao động tại cửa hàng của hệ thống Vinmart, Vinmart+ cũng như doanh thu trên mỗi mét vuông mặt bằng đều tăng. Chuỗi siêu thị Vinmart có doanh thu tăng 27% so với cùng kỳ, đóng góp 39% doanh thu cho VinCommerce.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của Masan Group (MSN), doanh thu hợp nhất của MSN tăng 116% chủ yếu nhờ vào việc hợp nhất Vincommerce (VCM) và tăng trưởng mạnh từ Masan Consumer Holdings (MCH).
Mảng hàng tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong quý 1 với mức tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái tại CTCP Hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings (MCH). Trong đó, doanh thu từ thực phẩm tiện lợi tăng 59,7%, đóng góp 35% doanh thu cho MCH. Ngoài yếu tố Covid-19 đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nhu cầu thực phẩm tiện lợi (nhất là mì gói), các dòng sản phẩm cao cấp tăng trưởng tới 70% doanh thu và đóng góp 53% doanh thu cho MCH.
Doanh thu từ mặt hàng gia vị giảm 4,5%, đóng góp 34% doanh thu cho MCH. Trong đó, nước mắm cao cấp (10% doanh thu) tăng trưởng 3%. Tuy nhiên, nước mắm tầm trung (60% doanh thu) giảm 11% do kênh hàng quán bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Doanh thu từ mảng đồ uống tăng 6,5%, đóng góp 15% doanh thu cho MCH. Mặc dù ngành đồ uống bị ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng mảng này của MCH vẫn tăng trưởng nhờ nước tăng lực tăng trưởng 15%.
Mặc dù cà phê và bia lần lượt giảm và đi ngang về doanh thu, tuy nhiên mảng thịt chế biến tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu của thịt chế biến, bia và cà phê đóng góp 13% trong tổng doanh thu của MCH.
Mảng còn lại trong danh mục kinh doanh của MCH là mảng chăm sóc cá nhân và gia đình đóng góp 151 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng 3,3% tổng doanh thu của MCH trong quý 1.
Doanh thu các mảng kinh doanh của Masan Group. (VDSC tổng hợp). |
Biên lợi nhuận gộp giảm 170 điểm phần trăm về mức 40,4% trong quý 1 do đóng góp lớn hơn từ thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến, vốn có biên lãi thấp hơn gia vị và đồ uống. Trong khi đó biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) giảm 400 điểm phần trăm về 22% do thay đổi biên lợi nhuận gộp và tăng chi phí marketing liên quan tới sản phẩm mới.
Việc thâu tóm hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ (VinCommerce - VCM) trong quý 4/2019 đã giúp cho doanh thu quý 1/2020 của Masan Group tăng đáng kể. Doanh thu của VCM tăng 40% so với cùng kỳ trong khi biên EBITDA tăng 370 điểm phần trăm lên 5,1% nhờ việc cải thiện biên lợi nhuận gộp (từ 15% quý 1/2019 lên 15,9% quý 1/2020). Ngoài ra, sau khi về tay Masan, năng suất lao động tại cửa hàng của hệ thống Vinmart, Vinmart+ cũng như doanh thu trên mỗi mét vuông mặt bằng đều tăng.
Mức đóng góp cụ thể về doanh thu, chuỗi siêu thị Vinmart có doanh thu tăng 27% so với cùng kỳ, đóng góp 39% doanh thu cho VinCommerce. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ đóng góp 39% doanh thu cho VinCommerce khi đạt mức tăng trưởng doanh thu 90% chủ yếu nhờ vào 1.192 cửa hàng mới mở trong năm 2019. Đúng như tuyên bố ban đầu về việc giảm số lượng cửa hàng, trong quý 1, VinCommerce mở mới 26 cửa hàng Vinmart+ và đóng 46 cửa hàng.
Những thay đổi tại Vinmart/Vinmart+ đang được tỷ phú Nguyễn Đăng Quang âm thầm thực hiện kể từ sau thương vụ đình đám nhưng cũng không kém phần bất ngờ diễn ra cuối năm ngoái. Được biết, “ông vua” hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục cải tổ hệ thống bán lẻ này trong năm 2020 mà trọng tâm là đàm phán lại các điều khoản với nhà cung cấp, tái cấu trúc nền tảng logistic, đóng các cửa hàng không có khả năng đạt được lợi nhuận; Phát triển một danh mục sản phẩm chủ chốt có thể nhân rộng ở tất cả các điểm bán, kết hợp với danh mục linh hoạt theo địa phương và mùa vụ. Tăng tỷ lệ đóng góp doanh thu của hàng tươi sống lên 35% (hiện đạt 30%) với chủ lực là MEATDeli và VinEco.
Cơn sốt giá thịt lợn diễn ra trong quý 1 cũng giúp cho riêng mảng thịt của Masan MEATLife (MML) đạt mức tăng trưởng doanh thu cực khủng (85%), đạt 453 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do mảng thức ăn chăn nuôi giảm 27,7% khiến doanh thu chung của Masan MEATLife chỉ tăng 6,4%. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông của MMLvẫn lỗ 31 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Mạng lưới phân phối thịt lợn của Masan MEATLife đã tăng lên 1.061 điểm bán, từ mức 624 vào tháng 12/2019. Việc tăng mạnh số điểm bán chủ yếu nhờ sáp nhập với VinCommerce.
Trong các mảng kinh doanh của Masan Group, mảng khai thác khoảng sản, Masan Resources (MSR) là mảng duy nhất ghi nhận doanh thu giảm với mức giảm 10,4%. Nguyên do là sản lượng APT giảm 17% và giá bán thấp hơn do với cùng kỳ. Doanh thu florit cũng giảm do sản lượng bán thấp hơn, tuy nhiên được bù đắp một phần bởi giá bán cao hơn. EBITDA giảm 28% còn 466 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu thấp hơn.
Hiền Anh
Vì sao lợi nhuận quý 1/2020 của Vietcombank giảm?
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.182 tỷ đồng, giảm 11,3% so với quý 1/2019.