Tuyên truyền tốt sẽ góp phần ngăn chặn được hiểm họa ma túy
Đây là sự kiện nằm trong chương trình hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày thế giới phòng chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6/2013” do Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Lễ ra quân biểu dương, tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy là hoạt động cụ thể thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch “Tháng hành động phòng, chống ma tuý” năm 2013 trong cả nước cũng như chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012-2015. Ngoài lễ ra quân hôm nay, chúng tôi còn tổ chức loạt sự kiện nhằm hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày thế giới phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy - 26/6”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu tại Lễ ra quân sáng nay 26/6. Ảnh. Xuân Hải. |
Tệ nạn ma tuý là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ và nhân phẩm con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Khu vực các tỉnh miền núi, biên giới là địa bàn trọng điểm về hoạt động tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, tổ chức trồng cây gây nghiện và tổ chức sử dụng chất ma tuý. Do đó, trong chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý, Chính phủ cũng quan tâm dành nguồn lực ưu tiên cho địa bàn này.
Đấu tranh phòng, chống ma tuý cần phải có sự phối hợp của nhiều biện pháp, chính sách tổng hợp. Một trong những biện pháp có hiệu quả rất to lớn đó là công tác thông tin, tuyên truyền giúp quần chúng nhân dân có kiến thức hiểu được tác hại của ma tuý, nhận thức, nắm bắt được những quy định của pháp luật đối với công tác phòng, chống ma tuý. Từ đó không tham gia vào các hành vi có liên quan đến ma tuý, tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống bài trừ ma tuý, xây dựng địa bàn dân cư trong sạch văn minh.
“Chúng ta cần khai thác ưu thế và sức mạnh của công tác tuyên truyền trực quan sinh động để chuyển tải trực tiếp đến mọi người dân đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên ở khu vực miền núi, biên giới nhận biết được hiểm hoạ ma tuý cũng như các quy định của pháp luật về hoạt động có liên quan đến ma tuý để tích cực phòng tránh”, Thứ trưởng Đỗ Quí Doãn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Quí Doãn, công tác thông tin, tuyên truyền còn là nhằm cảm hoá, giáo dục, thuyết phục lôi kéo những người lầm lỡ quay trở lại với cuộc sống lành mạnh, cảm thông chia sẻ động viên họ hoàn lương xây dựng lại cuộc đời, mang lại hạnh phúc cho mình, gia đình mình và xã hội. Do đó cần tranh thủ điểm mạnh này.
Hiểm hoạ ma tuý đang là một thách thức nghiêm trọng không chỉ đối với Việt Nam mà cả nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vì hiểm hoạ mang tính toàn cầu như vậy, Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia phải chung tay góp sức đấu tranh chống lại hiểm hoạ này. Nhiều năm qua Đảng và nhà nước ta đã có sự chỉ đạo đến các cấp, các ngành vào cuộc rất quyết liệt với nhiều đợt ra quân với nhiều lực lượng phối hợp và nhiều biện pháp cụ thể với quyết tâm rất lớn là phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống và bài trừ tệ nạn ma tuý và đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Công an năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 này hoạt động buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma tuý ở nước ta vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Số người nghiện, sử dụng, mua bán, vận chuyển ma tuý và tái nghiện ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa giảm. Hoạt động phạm tội ma tuý có xu hướng gia tăng, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ vận chuyển mua bán ma tuý rất lớn. Đối tượng phạm tội còn sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt các cơ quan chức năng, đây là những thách thức đang đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý.
Mục tiêu mà chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012-2015 đề ra hàng năm giảm 5% số người nghiện ma tuý hiện có, giảm 10% xã, huyện, thị trấn có tệ nạn ma tuý để nâng tổng số xã, phường, thị trấn toàn quốc không có tệ nạn ma tuý là 50% tính đến năm 2015 là một nhiệm vụ rất nặng nề với toàn xã hội.
Thông tin, tuyên truyền cần làm một cách hiệu quả, luôn tìm tòi, bổ sung, đổi mới các hình thức tuyên truyền, tránh lối tuyên truyền mang tính chất khẩu hiệu và hoạt động bề nổi. Nội dung tuyên truyền phải giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp thu với đồng bào thiểu số. Hình thức tuyên truyền cần phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán và trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, cần lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma tuý với các nội dung chương trình phát triển kinh tế xã hội các địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chiến lược thông tin tuyên truyền và kế hoạch bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho các tuyên truyền viên, tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cũng như cơ sở vật chất cho các đội thông tin tuyên truyền lưu động hoạt động có hiệu quả hơn nữa”, Thứ trưởng Đỗ Quí Doãn nhấn mạnh.