Tuyên bố thử tên lửa thành công, năng lực hạt nhân của Triều Tiên "lên tầm cao mới"?
Reuters trích thông báo từ Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã “gửi lời chúc mừng nồng ấm” tới các nhà khoa học quốc phòng, những người đã tiến hành vụ thử. Thông tin đó có nghĩa là ông Kim đã không trực tiếp tham gia giám sát vụ phóng như những vụ thử vũ khí mới trước đây.
KCNA cho biết thêm, loại SLBM Pukguksong-3 mới được phóng “theo phương thức thẳng đứng” ở vùng biển ngoài khơi thành phố phía đông Wonsan. “Việc bắn thử nghiệm SLBM kiểu mới thành công có ý nghĩa rất lớn khi nó mở ra giai đoạn mới trong việc ngăn chặn các lực lượng bên ngoài đe dọa tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự để tự vệ”, KCNA khẳng định.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Triều Tiên cũng nhấn mạnh, “vụ thử không có tác động bất lợi đến an ninh của các quốc gia láng giềng”.
Hình ảnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Những bức ảnh mà báo Rodong Sinmun của Triều Tiên công bố cho thấy một tên lửa được sơn trắng – đen phóng thẳng đứng từ dưới mặt nước, sau đó tên lửa đẩy được kích hoạt và phóng lên trời.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng “kiềm chế các hành động khiêu khích” và duy trì cam kết với các đàm phán hạt nhân. Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ phóng này, cho rằng nó đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Về phía Triều Tiên, nước này bác bỏ các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Hội đồng Bảo An LHQ, cho rằng họ có quyền tự vệ chính đáng.
Vụ phóng tên lửa hôm 2/10 của Triều Tiên là hành động đáng chú ý nhất của Bình Nhưỡng kể từ khi nối lại đàm phán với Washington năm 2018. Đồng thời đó cũng là lời nhắc nhở của Triều Tiên rằng năng lực vũ khí của nước này vẫn đang được phát triển, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa.
“Năng lực hạt nhân”
Kim Dong-yub, chuyên gia quân sự Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam ở Seoul, nhận định, tên lửa Pukguksong-3 được cho là biến thể của một phiên bản mà Triều Tiên từng thử nghiệm năm 2015 nhưng với tầm bắn mở rộng, có thể được phóng từ bệ thử dưới biển chứ không hẳn là một tàu ngầm thực thụ.
Ông Kim cũng cho rằng sự vắng mặt của lãnh đạo Kim Jong Un là “cực kỳ khác thường”, có thể ẩn chứa một “tác dụng phụ” chính trị dẫn tới việc các cuộc đàm phán dù chưa diễn ra nhưng khả năng cao sẽ thất bại.
Hôm 2/10, quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên đã bay được quãng đường 450 km và đạt độ cao 910 km. Seoul cũng nhận định đó có thể là tên lửa lớp Pukguksong mà Triều Tiên từng công bố trước đó trong các vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho hay, Pukguksong có thể có tầm bắn lên tới 1.300 km trên một quỹ đạo tiêu chuẩn.
Bình Nhưỡng đã phát triển công nghệ SLBM trước khi ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa để bắt đầu đàm phán với Mỹ và kết quả là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Kim và ông Trump tại Singapore tháng 6/2018.
Theo chuyên gia Ankit Panda, đến từ Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, phiên bản mới nhất này của Pukguksong có thể là tên lửa tầm xa nhất cảu Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn và cũng là vụ thử tên lửa hạt nhân đầu tiên của nước này kể từ tháng 11/2017.
Triều Tiên vẫn đang phát triển các động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, có lợi thế hơn trong quân sự so với nhiên liệu lỏng bởi tính bền và linh hoạt, cho phép dễ dàng đưa vào tên lửa cho đến khi sẵn sàng phóng.