Tướng Ukraine: Có cơ hội lấy lại Crimea nhờ căn cứ hải quân trên biển Azov
Ukraine có cơ hội lấy lại Bán đảo Crimea nhờ căn cứ hải quân trên biển Azov? |
Theo tướng Bogdan, Kiev có đủ khả năng thành lập trong khu vực biển Azov cơ sở hạ tầng hải quân như vậy, căn cứ hải quân này sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Nga và buộc nước này "có những nhượng bộ khi ngồi vào bàn đàm phán".
Ngoài ra, việc Ukraine thành lập một căn cứ hải quân trên biển Azov, theo ông Bogdan, cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các thỏa thuận Minsk và giải quyết các vấn đề khác, bao gồm cả vấn đề của Bán đảo Crimea.
Vị tướng này cũng bày tỏ tin tưởng rằng phương Tây sẽ giúp đỡ Kiev trong vấn đề này khi nhắc đến "thỏa thuận với Hoa Kỳ" về việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Trước đó, chính quyền Kiev công bố kế hoạch xây dựng trên biển Azov căn cứ hải quân.
Về phần mình, Tư lệnh Lục quân của lực lượng vũ trang Ukraine thượng tướng Sergei Popko tuyên bố cần tăng cường quân đội tại Biển Azov.
Tình hình hàng hải ở Biển Azov trở nên căng thẳng hơn kể từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 3/2018, Ukraine bắt giữ tàu đánh cá của Nga với lý do tàu này ghé Bán đảo Crimea bất hợp pháp "với mục đích làm tổn hại đến lợi ích quốc gia Ukraine". Vào tháng Tám, tàu chở dầu Mechanic Pogodin cũng bị bắt giữ tại cảng Kherson.
Moscow xem hành động của Kiev là "khủng bố biển", chính quyền Nga đáp trả bằng cách tăng cường tuần tra biên giới trên phần biển Azov của mình. Sau đó, lính biên phòng Ukraine nói rằng người Nga "đã bắt đầu một chính sách nghiêm ngặt về việc giam giữ và kiểm tra tàu thuyền tại khu vực này".
Bán đảo Crimea đã trở thành khu vực của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3/2014. Trong đó, 96,77% số cử tri Cộng hòa Crimea và 95,6% người dân Sevastopol ủng hộ việc sáp nhập vào Liên bang Nga.
Ukraine vẫn coi bán đảo Crimea là phần lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng. Ban lãnh đạo Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng người dân Crimea đã bỏ phiếu công khai, dân chủ, theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc để sáp nhập với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố , vấn đề của Crimea đã khép lại hoàn toàn.
Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Trong diễn biến khác, ngày 17/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Quan hệ đối tác giữa nước này với Liên bang Nga.
Hiệp ước trên có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết, nước này đang chuẩn bị rà soát dần dần toàn bộ các Hiệp ước với Nga. Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine, nước này đang có kế hoạch chấm dứt hiệp ước song phương liên quan tới hiện trạng Biển Azov, song không nêu khung thời gian cụ thể.