Tướng Thái Lan bác bỏ việc lên "kế hoạch đảo chính"
Trung tướng Chatchalerm Chalermsukh, Phó Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội và là thành viên Hội đồng quốc gia vì hòa bình – Hội đồng hiện đang điều hành đất nước. |
Phát ngôn trên được đưa ra sau khi một lãnh đạo đối lập tuyên bố quân đội Thái Lan đã thảo luận về kế hoạch lật đổ chính phủ trong nhiều năm.
Trung tướng Chatchalerm Chalermsukh, người trả lời phỏng vấn BBC, cũng cho biết những người bị quân đội bắt giữ kể từ cuộc đảo chính xảy ra đang được chăm sóc tốt. Ông nói thêm rằng việc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và gia đình ông có thể quay trở lại chính trường Thái Lan vẫn đang gây tranh cãi.
Thủ tướng tạm quyền của Thái Lan - Tổng tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha. |
Quân đội nắm quyền tại quốc gia Đông Nam Á vào ngày 22/5 với mục đích ổn định lại đất nước sau nhiều tháng bất ổn chính trị và xã hội. Chính phủ quân đội Thái Lan hứa sẽ đưa đất nước trở lại với nền dân chủ, nhưng chỉ sau khi quốc hội nước này tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống chính trị.
Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính, do Tổng tư lệnh quân đội Prayuth Chan-Gen ocha đứng đầu, cho biết họ đã quyết định can thiệp vào phút chót để ngăn chặn đất nước trượt dài trong cuộc xung đột chính trị và bạo lực nguy hiểm.
Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn gần đây, một trong những người ủng hộ cuộc đảo chính - lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết ông đã thảo luận với tướng Prayuth về cuộc lật đổ nhiều lần trong những năm gần đây.
“Cho đến nay, theo như tôi biết thì không hề có một kế hoạch sắp đặt nào”, Trung tướng Chatchalerm trả lời phỏng vấn BBC cho biết, “Nếu được chuẩn bị trước, kế hoạch đó là bất hợp pháp. Nếu bạn thắc mắc vì sao điều này xảy ra một cách suôn sẻ, đó là vì lực lượng đã được triển khai ở Bangkok. Vì vậy, khi chúng tôi tuyên bố thiết quân luật, quân đội và cảnh sát đã cùng có mặt trong khu vực”.
Trung tướng Chatchalerm Chalermsukh hiện là Phó Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội và là thành viên Hội đồng quốc gia vì hòa bình – Hội đồng hiện đang điều hành đất nước.
Kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra, hàng trăm người đã bị giam giữ trong một chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến với quân đội. Nhưng ông Chatchalerm cho biết nơi họ đang bị giam giữ "không hẳn là một nhà tù" mà “giống với một nhà khách”.
"Không có hàng rào dây thép gai, và chúng tôi đã công khai những nơi này với các tổ chức nhân quyền. Chúng tôi thậm chí còn phát sóng hình ảnh của họ trên truyền hình quốc gia. Chúng tôi cũng cho phép phỏng vấn những người bị triệu tập. Mọi người đều yên tâm với điều này”.
Ông cũng cho biết quân đội sẽ khoan dung với những người bị bắt.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. |
Những người ủng hộ cuộc đảo chính cáo buộc rằng chính phủ bị lật đổ của Yingluck Shinawatra đã bị anh trai bà – Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan – điều khiển. Ông Thaksin đã bị kết tội tham nhũng và phải sống lưu vong ở nước ngoài.
Gia đình Shinawatra được sự hỗ trợ mạnh mẽ trong các khu vực nông thôn và miền Bắc, giúp họ liên tiếp chiến thắng trong các cuộc bầu cử hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, nhiều người trong tầng lớp trung lưu thành thị và tầng lớp chống đối họ một cách mạnh mẽ, cáo buộc họ đã làm hỏng nền dân chủ Thái Lan.
Mặc dù vậy, Tướng Chatchalerm cho biết sẽ vẫn có khả năng ông Thaksin quay lại chính trường Thái Lan sau khi các biện pháp cải cách được hoàn thành.
"Tất cả người dân Thái Lan và có đủ điều kiện tham gia bầu cử đều có thể tham gia, ngay cả những người trong gia đình ông Thaksin Shinawatra”, ông Chatchalerm nói.
Đầu tuần này, cựu Bộ trưởng Thái Lan Charupong Reuangsuwan cho biết ông đã thành lập một nhóm để lãnh đạo một chiến dịch chống lại chính phủ quân sự.
Ông là vị bộ trưởng duy nhất thời Thủ tướng Thaksin thoát khỏi việc phải sống lưu vong. Ông Charupong gọi cuộc đảo chính là "một hành động thái quá" và "phi pháp nghiêm trọng".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.