Tướng quân đội gọi ông Mugabe là “kẻ thù của Zimbabwe”
Mang theo mình những biển đề khẩu hiệu như “Mugabe phải dừng lại ngay” và “Nói không với Triều đại Mugabe”, người biểu tình đang tạo ra một không khí náo động vài ngày sau khi Tổng thống Zimbabwe bị quân đội quản chế tại gia và nhiều đồng minh chính trị của ông đã bị bắt giữ. Có người đã vẫy cờ Zimbabwe và một số còn chạy theo xe tăng quân đội và ôm lấy các binh lính bày tỏ lòng cảm ơn.
Người dân xuống đường kêu gọi ông Mugabe từ chức. |
Một phát ngôn viên Quân đội Zimbabwe thậm chí còn gọi ông Mugabe là kẻ thù của đất nước. “Chúng tôi là những người mặc quân phục, nhưng chúng tôi hiểu rõ rằng những gì mình đang làm là trừ khử kẻ thù của Zimbabwe”, tướng S.B. Noyo phát biểu trước những người biểu tình.
Dù vậy, theo một quan chức giấu tên am hiểu quá trình đàm phán giữa quân đội và Tổng thống, ông Mugabe vẫn nhất quyết không từ chức. Được biết, ông và chỉ huy quân đội là tướng Constantino Chiwenga đang thảo luận về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ông Chiwenga muốn ông Mugabe từ chức và một tổng thống lâm thời sẽ lên thay.
Các thành viên cấp cao của đảng cầm quyền ZANU-PF của Zimbabwe sẽ có cuộc họp vào sáng ngày 19/11 theo giờ địa phương để bỏ phiếu lấy ý kiến về việc ông Mugabe có thể tiếp tục làm Tổng thống và đồng thời là lãnh đạo đảng hay không. Nhiều người dự báo rằng cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ trở thành người đứng đầu đảng và Tổng thống Zimbabwe cho đến khi cuộc bầu cử toàn quốc được tổ chức vào năm tới.
Đảng ZANU-PF đã kêu gọi ông Mugabe từ chức vào ngày 17/11 vừa qua. Không chỉ có vậy, các cơ quan đảng ở toàn bộ 10 tỉnh ở Zimbabwe đều kêu gọi bà Grace Mugabe từ chức lãnh đạo Hội Phụ nữ ở nước này.
Theo một số người, sự kiện này diễn ra sau khi ông Mugabe cách chức ông Mnangagwa, một cựu đồng minh chính trị được sự ủng hộ của quân đội và từng là người được cho là sẽ lãnh đạo Zimbabwe tiếp theo. Nhiều người tin rằng động thái này của ông Mugabe là nhằm mở đường cho vợ là bà Grace Mugabe có thể tiếp quản vị trí của ông sau này.
Sự việc giam lỏng tổng thống xảy ra sau khi một phát ngôn viên quân đội Zimbabwe phát biểu trên sóng truyền hình rằng quân đội đang tổ chức một chiến dịch nhằm vào “những tên tội phạm” thân cận Tổng thống đã gây ra “tổn hại về xã hội và kinh tế đất nước”. Ông Mugabe sau đó bị giam lỏng trong biệt thự của mình.
Trong một ảnh chụp, ông Mugabe đã cùng với tướng Chiwenga thảo luận về tương lai đất nước. Vào ngày 17/11, ông Mugabe đã xuất hiện tại một buổi lễ tốt nghiệp đại học ở thủ đô Harare, một sự kiện được dàn xếp từ trước và có thể thấy rõ rằng ông không còn nắm thực quyền nữa. Bà Grace cho đến nay vẫn chưa xuất hiện trước công chúng kể từ khi quân đội tiếm quyền.
Ông Robert Mugabe cùng phu nhân là bà Grace. Ông Mugabe đã làm lãnh đạo Zimbabwe trong 37 năm qua. |
Hãng tin CNN cho biết ông Mnangagwa đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tước bỏ quyền lực của ông Mugabe. “Quá trình này đã được ông Emmerson Mnangagwa lên kế hoạch từ trước và các cuộc thảo luận bí mật với các đảng đối lập đã được thực hiện nhằm đề ra phương án nhằm đẩy ông Mugabe khỏi vị trí lãnh đạo”, một quan chức giấu tên cho biết.
Mặc dù phe đối lập gọi đây là một “bước ngoặt lớn”, song nhiều người đang tỏ ra thận trọng. Ông Douglas Mwonzora thuộc đảng MDC-T của Zimbabwe cho biết: “Chúng tôi yêu cầu Tổng thống Mugabe từ chức, nhưng tất cả chúng ta phải nghĩ cho tương lai. Đảng MDC-T muốn một cơ chế rõ ràng để đảm bảo tình trạng suy thoái kinh tế hiện này được khắc phục. Chúng ta phải chấm dứt tình trạng đói nghèo và khổ cực mà người dân phải chịu đựng”.
Một số nước trên thế giới mặc dù yêu cầu quân đội Zimbabwe phải hành động có giới hạn, song họ ủng hộ hành động của quân đội. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gọi tình hình ở Zimbabwe là cơ hội lớn của quốc gia này.
“Zimbabwe đang đứng trước cơ hội đưa mình về một hướng đi mới, một hướng di mà trong đó các cuộc bầu cử dân chủ và nhân quyền được tôn trọng”, ông nói.