Tướng Philippines: Trung Quốc dùng tiền để đổi lấy "sức mạnh"
Tờ Manila Times cho hay ngay từ năm ngoái, tại cuộc hội thảo của Trung tâm An ninh Mỹ mới diễn ra ở Washington, cựu Phó Tổng tư lệnh Hải quân Philippines Alexander Pama đã cho công bố tờ trình nhấn mạnh cần phải ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép trên một số hòn đảo ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cần có cái nhìn nghiêm túc hơn và lên phương án hành động ngay lập tức để ngăn chặn Trung Quốc.
Tờ trình của ông Pama, người hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thảm họa quốc gia Philippines (NDRRMC), cũng đưa ra những dự báo về việc Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi xâm chiếm trên các hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Bức ảnh tố cáo Trung Quốc mở rộng và xây dựng trái phép trên Biển Đông. |
Ông Pama cảnh báo nếu Mỹ không hành động, việc kiểm soát Trung Quốc sẽ càng khó khăn hơn bởi Bắc Kinh đang trên đà trở thành một cường quốc quân sự. Cũng theo ông Pama, Trung Quốc muốn nắm trong tay cả tiền lẫn sức mạnh.
"Đối với Trung Quốc, sức mạnh nghĩa là phải có một đội quân hùng mạnh không chỉ phục vụ nhiệm vụ phòng thủ và tấn công hiệu quả mà còn duy trì năng lực này để sử dụng bất cứ khi nào muốn", cựu Phó Tổng tư lệnh Hải quân Philippines nhấn mạnh.
Ông Pama giải thích rằng hành động gần đây của Trung Quốc đã lộ rõ ý đồ sử dụng tiền có chủ đích và thử nghiệm sức mạnh các lực lượng quân sự và bán quân sự. Bước đi này là một phần trong kế hoạch lấy lại "những ngày huy hoàng" trong khu vực sau khi bị nước ngoài đô hộ trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Điển hình hồi tháng 4/2012, Hải quân Philippines và các tàu tuần tra Trung Quốc đã có cuộc đối đầu tại bãi cạn Scarborough, ngoài khơi tỉnh Zambales của Philippines. Sau vụ đụng độ này, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trước bãi cạn Scarborough và đưa quân đội tới đây. Song, theo ông Pama, hành động này đã vi phạm thỏa thuận miệng giữa Mỹ và Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền ở khu vực này. "Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật tương tự tại bãi Cỏ Mây", ông Pama nói.
Cũng theo ông Pama, Trung Quốc muốn hưởng lợi từ hoạt động thay đổi hiện trạng Biển Đông. Bởi Bắc Kinh muốn khai thác nguồn tài nguyên Biển Đông để đảm bảo an ninh lương thực cũng như trữ lượng dầu mỏ và khí đốt nằm dưới đáy biển.
Thậm chí, trong tấm bản đồ "đường chín đoạn" đệ trình lên Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, khu vực mà nhiều quốc gia châu Á khác cũng tuyên bố chủ quyền như Philippines, Việt Nam, Malaysia hay Đài Loan.
Đáp trả trước những hành động hung hăng xâm chiếm của Bắc Kinh, hồi tuần trước, Mỹ đã cử một máy bay do thám tới tuần tra các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Biển Đông. Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc đã phát tín hiệu yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Manila Times, nhật báo tiếng Anh lâu đời nhất ở Philippines, được thành lập vào năm 1898.