Tướng Nga: "Nếu xảy ra chiến tranh Nga – Nhật, Moscow sẽ thất bại"
Tàu chiến của Lực lượng hải quân Nhật Bản |
Nhận định trên do tiến sĩ Khoa học quân sự, thượng tướng Anatoly Zaitsev đưa ra trong bài viết của mình cho Tạp chí “Voenno promishlenny kurier – tạm dịch Người đưa tin quân sự”.
Theo tướng Anatoly Zaitsev, Tokyo đã không từ bỏ tham vọng bành trướng và Kế hoạch “Nhật Bản vĩ đại đến dãy núi Ural” không bị hủy bỏ. Tướng Zaitsev cũng đưa ra sự so sánh về lực lượng và phương tiện của Nhật Bản với lực lượng của Nga ở vùng Viễn Đông và kết luận rằng Tokyo giành được lợi thế.
Cụ thể, theo Tướng Zaitsev, Nga có 25 tàu ngầm, 10 tàu chiến hoạt động trên vùng đại dương và 32 chiếc hoạt động ven biển đang đồn trú ở vùng Viễn Đông. Trong khi Nhật Bản có 66 tàu, bao gồm 5 tàu khu trục trực thăng và tàu sân bay dành cho máy bay F-35B, 18 tàu ngầm, 1/3 trong số đó là tàu ngầm mới. Ngoài ra trong kho vũ khí của Tokyo còn có bảy tên lửa, 8 tàu đổ bộ, 25 tàu quét mìn, 5 tàu chở dầu, 2 tàu chỉ huy và điều khiển, 2 tàu tìm kiếm và cứu hộ, 3 tàu đổ bộ cỡ lớn và 2 tàu đổ bộ cỡ nhỏ, khoảng 180 máy bay tiêm kích và 140 máy bay trực thăng.
Tướng Zaitsev lưu ý, lợi dụng ưu thế quân sự, Nhật Bản có thể bất ngờ tấn công vào Sakhalin và quần đảo Nam Kuril. Đồng thời, Mỹ sẽ giữ lập trường trung lập, nhưng sẽ cố gắng thuyết phục Moscow không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc sẽ đứng sang một bên, tuy nhiên có lẽ họ sẽ khăng khăng đòi các yêu sách lãnh thổ của mình đối với Nga.
Cuối cùng, theo tướng Zaitsev, Tokyo sẽ tính đến lợi ích của Washington và "ngay ngày hôm sau" các căn cứ quân sự của Mỹ sẽ xuất hiện ở Quần đảo Nam Kuril.
Quan hệ Nga-Nhật được cho là bằng mặt nhưng chưa bằng lòng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Tranh chấp chủ quyền liên quan đến 4 hòn đảo trong quần đảo Nam Kuril vẫn là ranh giới không thể vượt qua trong quan hệ Nga-Nhật.
Nhóm 4 đảo phía Nam quần đảo Kuril nằm rất gần Nhật Bản nhưng hiện do Moscow quản lý từ khi Liên Xô sáp nhập năm 1945. Quần đảo này vẫn được Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi đó là Vùng lãnh thổ phương Bắc bị “Nga chiếm giữ trái phép”.
Đây là vùng biển đảo được đánh giá không chỉ giàu tài nguyên khoáng sản, thủy sản mà còn là cửa ngõ ra vào Thái Bình Dương cho các hạm đội hải quân Nga.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 22/1 tại Moscow đã kết thúc mà không đạt được một hiệp định hòa bình nào. Một lần nữa tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Kuril lại là vật cản chính cho chiến lược xích lại gần nhau mà hai bên luôn mong muốn.