Tướng Mỹ: IS xuất hiện ở Philippines là “hồi chuông báo động” tới toàn Châu Á
Phát biểu tại Diễn đàn Quan chức Quân sự Nhật Bản – Mỹ tại thủ đô Washington, chỉ huy quân đội Mỹ khu vực Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris cho biết việc IS xuất hiện ở Philippines là một trong những hiểm họa an ninh mà khu vực này đang phải đối mặt.
Thành phố Marawi đang bị các phần tử khủng bố thân IS chiếm đóng. |
Theo ông Harris, việc thành phố Marawi ở Philippines đang bị các phần tử khủng bố thân IS chiếm đóng là lời cảnh tỉnh rằng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với một hiểm họa nghiêm trọng mới.
“Những kẻ khủng bố này đang dùng những chiến thuật mà chúng ta thường thấy IS tiến hành tại Trung Đông. Đây là lần đầu tiên các thế lực thân IS đã kết hợp lại với nhau để tiến hành tấn công với quy mô lớn như vậy”, ông nói.
“Rõ ràng là các phần tử khủng bố từ bên ngoài đang truyền bá tư tưởng, kinh nghiệm và chiến thuật của IS cho các nhóm vũ trang cực đoan đã tồn tại”, ông Harris nhận định. “Marawi phải là hồi chuông cảnh tỉnh tới tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Cuộc chiến tại Marawi vẫn đang diễn ra căng thẳng, và đến nay gần 650 người đã chết, trong đó bao gồm 470 phần tử khủng bố, 114 binh lính Philippines và 45 dân thường. Nhiều người khác cũng đã tử vong do bệnh tật sau khi sơ tán khỏi thành phố.
Trong bối cảnh IS và các tổ chức khủng bố khác đang bị đánh bật khỏi các căn cứ chiến lược ở Trung Đông và Bắc Phi, ông Harris cảnh báo rằng chúng sẽ trốn chạy ra các khu vực khác trên thế giới. “Những tên khủng bố thấm nhuần tư tưởng cực đoan sẽ tiếp tục lôi kéo nhiều tên khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia tấn công”, ông Harris nói.
Đô đốc người Mỹ cũng phát biểu thêm rằng Isnilon Hapilon, cựu thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Abu Sayyaf hiện đã được IS gọi là “thống lĩnh toàn quân Nhà nước Hồi giáo ở Philippines” vào tháng 4/2016. Một năm sau, hai tổ chức Abu Sayyaf và Maute đã trở nên liều lĩnh hơn và được trang bị nhiều vũ khí hơn trước để có thể chống lại quân đội Philippines và chiếm lĩnh cả một thành phố.
“Một lần nữa chúng ta phải hiểu rằng IS thực sự là một mối đe dọa an ninh toàn cầu”, ông Harris nói.
Bởi tầm ảnh hưởng của IS, toàn thế giới cần phải chung tay đối phó. Ông Harris cho biết việc Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines và triển khai hai máy bay do thám đến để theo dõi hoạt động của quân khủng bố là một trong những động thái mà Mỹ đã làm. Ông cũng khuyên Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ tiếp tục cùng nhau tập trận quân sự.
“Chỉ bằng hợp tác đa phương, chúng ta mới có thể thực sự xóa sổ IS và các tổ chức khủng bố cực đoan khác trước khi chúng mở rộng ra những nơi khác”, ông Harris kết luận.