Tương lai Ukraine tươi sáng hơn tưởng tượng
Theo tạp chí National Interest, ông Luke Coffey, Giám đốc Trung tâm Chính sách Đối ngoại Douglas và Sarah Allison tại Tổ chức Heritage nhận định đối với cộng đồng quốc tế, mối quan tâm hàng đầu hiện nay ở Ukraine chính là cuộc chiến ở miền đông nước này. Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ năm 2014 đã có hơn 10.000 người thiệt mạng và tình trạng bạo lực cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm kết thúc.
Ngoài việc chính phủ Ukraine xem Nga là mối đe dọa bên ngoài nguy hiểm thì một yếu tố khác lại đóng vai trò quyết định tới sự sống còn của Kiev chính là kinh tế.
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine vẫn chưa kết thúc nhưng nền kinh tế của quốc gia này đang có những dấu hiệu trên đà hồi phục. |
Đối với bất cứ quốc gia nào phải trải qua chiến tranh, hậu quả kinh tế là vô cùng nặng nề và Ukraine không phải là ngoại lệ. Điển hình, khi quân nổi dậy Ukraine giành được quyền kiểm soát vùng công nghiệp nặng Donbas, GDP của Ukraine đã giảm mất 16%. Trong năm nay, Bộ Tư pháp Ukraine đánh giá thiệt hại kinh tế đối với Ukraine khi bán đảo Crimea quyết định sáp nhập vào Liên bang Nga lên tới con số 100 tỷ USD.
Cuộc chiến ở Donbas cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh tế của Ukraine đặc biệt là ngành công nghiệp than và thép. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine là Nga đã đóng cửa với quốc gia này.
Theo ông Coffey, việc cùng một lúc cải tổ bộ máy lãnh đạo, nền kinh tế, chăm sóc y tế và bộ máy tư pháp cũng như giành lại quyền kiểm soát khu vực phía đông đối với chính phủ Ukraine là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, gần đây, có những dấu hiệu cho thấy Ukraine đang đi đúng hướng và khả năng sẽ tái nhập thị trường quốc tế vào cuối năm nay.
Cụ thể, tình hình kinh tế vĩ mô của Ukraine hiện khá ổn định. Thâm hụt ngân sách cũng đã giảm và kỷ luật ngân sách được khôi phục. Những nỗ lực này là nhằm tái cấu trúc các khoản nợ quốc tế của Ukraine.
Quan trọng nhất, Ukraine đang ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế đầu tiên. Hồi năm ngoái, Ukraine lần đầu tiên chứng kiến tăng trưởng GDP ở mức 2,3% kể từ khi cuộc chiến ở miền đông bùng nổ năm 2014. Năm nay, Ukraine hy vọng đạt được mức tăng trưởng GDP 2%. Ngân hàng thế giới dự báo con số này là 3,5% trong năm 2018 đối với Ukraine. Hoạt động xuất khẩu kim loại, quặng sắt và lúa gạo của Ukraine cũng đang tăng trở lại.
Để tạo ra được những thay đổi tích cực cải thiện kinh tế vĩ mô, Ukraine đã bám sát chương trình mà Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) vạch ra cho quốc gia này. Ban đầu, nhiều người hoài nghi về khả năng Kiev có thể đáp ứng trước những yêu cầu khắt khe của IMF. Nhưng chính những quy định này lại giúp Ukraine đạt được những biến chuyển tốt.
Vào tháng 4/2014, IMF đã chấp thuận phê chuẩn hai chương trình hỗ trợ cho Ukraine. Sau một năm, hai chương trình này trở thành kế hoạch 4 năm. Cụ thể, IMF đồng ý trao cho Ukraine số tiền 17,5 tỷ USD để khôi phục kinh tế. Mục tiêu của IMF là ổn định nền kinh tế Ukraine và từ đó giúp Kiev quay trở lại con đường tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, Ukraine đã nhận 4 gói hỗ trợ tài chính nằm trong tổng số tiền 17,5 tỷ USD mà IMF đồng ý cung cấp cho chính quyền Kiev. Số tiền này đã tạo ra những cải cách đáng kể như việc giới chức cấp cấp trong chính phủ Ukraine phải công khai khối tài sản cá nhân hay việc chính quyền Kiev tăng hàng rào thuế quan với mặt hàng năng lượng.
Không thể phủ nhận, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với Ukraine chính là việc thu hút các khoản đầu tư nước ngoài. Nằm trên Biển Đen và ngay ở cửa ngõ tiến của Liên minh châu Âu (EU), Ukraine có được vô số ưu thế địa lý để thu hút các nhà đầu tư và công ty nước ngoài. Ngoài ra, Ukraine còn đang nắm trong tay lực lượng lao động trẻ đông đảo mang tư tưởng ủng hộ phương Tây chứ không phải Nga như trước đây.
Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại tự do cũng đang góp phần quan trọng trong tiến trình cải cách kinh tế ở Ukraine. Hồi đầu năm nay, Thỏa thuận tự do thương mại Canada – Ukraine (CUFTA) cũng đã chính thức hoàn tất. Thỏa thuận Hiệp hội Liên minh châu Âu – Ukraine nhằm tạo ra một khu vực tự do thương mại, cũng đang được tiến hành. Đặc biệt, người dân Ukraine còn được hưởng chế độ miễn thị thực tới phần lớn các nước châu Âu.
Theo ông Coffey, Mỹ không nên để mình bị tụt lại phía sau mà cần tiến tới ký kết một thỏa thuận tự do thương mại với Ukraine. Trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump ưu tiên ký kết các thỏa thuận thương mại song phương vì nhiều lý do kinh tế và địa chiến lược, Ukraine thực sự là ứng cử viên tiềm năng. Có thể nói, con đường cải cách của Ukraine sẽ còn rất dài nhưng tình hình kinh tế hiện nay đã không còn ảm đạm như những gì mà báo chí vẫn thường đưa tin.