Tướng Hà Lan cáo buộc Nga cố tình “khiêu khích” NATO ở Bắc Cực
“Những gì chúng tôi nhận thấy đó là chúng tôi đang thu hút sự chú ý của tàu chiến Nga khi tổ chức diễn tập”, ông Mac Mootry nói. “Ví dụ, khi chúng tôi thực hiện diễn tập phóng tên lửa, chúng tôi phát hiện sự xuất hiện của tàu chiến Nga đã tăng lên rất nhiều so với những thập kỷ trước đây. Rõ ràng Nga muốn các nước phải nhận thấy sự hiện diện của mình”.
Binh lính Anh tập trận tại Na Uy. |
Vị tướng Hà Lan cũng chỉ trích việc các máy bay chiến đấu Nga đã “áp sát vào tàu chiến của NATO chỉ để khẳng định sự hiện diện của mình theo một cách khiêu khích”.
Ông Mac Mootry nói thêm, việc quân đội NATO chạm trán với Nga gần Na Uy là một phần trong một cuộc “Chiến tranh Lạnh phiên bản 3.0”. Hiện tại, khoảng 400 lính thủy đánh bộ Anh đang diễn tập với lực lượng của Hà Lan ở Na Uy. Anh có dự định thiết lập sự hiện diện thường trực ở phía bắc Na Uy và triển khai 800 lính thủy đánh bộ và lính đặc nhiệm đến đây để tập luyện làm quen thời tiết lạnh vào năm 2019.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói rằng động thái này là nhằm đối phó với hoạt động tàu ngầm của Nga trong khu vực. “Nếu chúng ta vặn ngược đồng hồ về thời điểm 10 năm trước đây, ta sẽ thấy rằng lúc đó mọi người tin rằng hiểm họa của hoạt động tàu ngầm Nga ở Bắc Cực hay phía Bắc Đại Tây Dương đã biến mất sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Giờ đây hiểm họa này đã xuất hiện trở lại”, ông nói.
Sắp tới, 29 nước thành viên NATO cộng với Phần Lan và Thụy Điển sẽ tổ chức tập trận quy mô lớn ở Na Uy từ ngày 25/10 đến 7/11. Cuộc diễn tập này mang tên Trident Juncture và sẽ là cuộc tập trận quy mô lớn nhất của NATO trong vài thập kỷ trở lại đây khi có khoảng 50.000 binh lính tham gia. Mỹ sẽ triển khai tàu sân bay USS Harry Truman tham gia cuộc tập trận này, qua đó trở thành mẫu hạm Mỹ có mặt tại Biển Na Uy từ năm 1987 tới nay.
Từ lâu Moscow đã bày tỏ quan ngại đối với việc NATO đang tập trung quân đội tại các nước vùng Baltic, Ba Lan, Romania và Bulgaria trong những năm gần đây. Kể từ năm 1990, NATO đã tiếp nhận các nước thành viên của khối Hiệp ước Warsaw cũ và triển khai quân vào các nước thuộc vùng Baltic và Nam Tư cũ, mặc dù đã cam kết sẽ không làm vậy vào năm 1990.