Tự ý chuyển tài sản của dân đi sau khi cưỡng chế
Sự việc trên vừa được anh Nguyễn Thành Trung, ngụ F32, đường số 9, khu dân cư Hoàng Hải, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM phản ánh tới báo điện tử Infonet.
Anh Trung kể, vào năm 2010 anh có mua khu đất tại địa chỉ E19, Hương lộ 80 nối dài, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Sau đó anh đã dựng lên một khu nhà tạm bằng khung thép, mái tôn để chứa hàng hóa.
Phát hiện sự việc, UBND xã Bà Điểm đã ra quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trên. Trong biên bản gần nhất UBND xã Bà Điểm đưa ra thời hạn sẽ thực hiện cưỡng chế là ngày 23/5/2013.
Hiện trường khu nhà xưởng sau cưỡng chế tháo dỡ |
Trao đổi với PV, anh Trung cho biết, bản thân anh và gia đình không phản đối quyết định cưỡng chế của UBND xã vì biết công trình xây dựng của mình không được cấp phép. Tuy nhiên điều khiến anh bức xúc nhất là cách làm của lực lượng thi hành khi thực thi quyết định này.
Theo anh Trung, ngày 16/5 khi nhận được giấy báo cưỡng chế, anh đã tổ chức thuê lao động, và vài ngày sau thì bắt đầu việc tháo dỡ khu nhà tạm tại địa chỉ nói trên. Cho đến khoảng 8h30 ngày 23/5, khi đoàn cưỡng chế có mặt thì khu nhà còn khoảng 30% diện tích.
Dù lúc này mọi người đang tháo dỡ, nhưng cơ quan chức năng vẫn quyết định thực hiện lệnh cưỡng chế. Khu nhà bị cắt điện ngay sau đó, máy xúc cũng tiến vào kéo sập diện tích còn lại.
Anh Trung bức xúc: “Tôi biết mình đã sai khi xây dựng không phép, vì thế trong những lần được mời lên UBND xã tôi đều rất hợp tác, gần đây nhất vào ngày 22/5 tại trụ sở công an xã tôi đã ký và ghi chú vào biên bản rằng sẽ tự động tháo dỡ. Sáng ngày 23/5, khi họ tới nơi tôi cũng “năn nỉ” hết sức để được thêm vài giờ nữa cho anh em làm việc nhưng không được chấp nhận, họ vẫn đi tới cắt điện”.
Anh Trung còn cho biết thêm, sau khi căn nhà bị kéo sập, lực lượng này đã chở đi 3 xe tải sắt, thép (bao gồm ống sắt, khung thép, tôn… là các bộ phận của khu nhà tạm, có giá trị hàng chục triệu đồng) mà không hề lập biên bản hay bất kỳ giấy tờ nào ghi lại việc này.
"Khi gia đình phản đối, thì được một người trong đoàn cưỡng chế giải thích với nội dung, họ không lấy số sắt này mà là tạm giữ, và sẽ dùng để “bù” lại chi phí thực hiện việc cưỡng chế nếu gia đình không chịu thanh toán (?). Cách giải thích này khiến gia đình tôi vô cùng bất bình” – anh Trung nói.
Anh Trung đã đề nghị được gia hạn thêm vài giờ để tháo dỡ nhưng không được chấp nhận |
Chị Trần Thị Thu Loan, vợ anh Trung cho phàn nàn, “tôi không hiểu họ dựa trên những quy định nào để làm như vậy, trong khi gia đình phản đối thì chỉ nhận được những lời giải thích qua loa”.
Cũng theo chị Loan, khi biết chị dùng máy Ipad để thu lại hình ảnh buổi cưỡng chế, một người trong đoàn đã tiến tới “tạm giữ” và mang đi, tới buổi chiều mới được trả lại.
Trước những thông tin trên, lực lượng cưỡng chế đã có phản hồi ra sao, mời bạn đọc theo dõi tiếp bài sau.
Xung quanh sự việc này, luật sư Phạm Đình Hưng, Giám đốc Công ty luật Sài Gòn Á Châu cho rằng: Trong quá trình cưỡng chế, cơ quan có thẩm quyền có quyền kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá, hoặc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Đối với kê biên tài sản thì việc kê biên tài sản phải có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên (...). Chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá đối với cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không thanh toán chi phí cưỡng chế. Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản được giao cho cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế kê biên ngay sau khi hoàn thành việc lập biên bản kê biên tài sản. (Nghị định 37/2005/NĐ-CP). Đối với trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính thì đối với thẩm quyền của chủ tịch cấp xã chỉ được tịch thu đối với tang vật có giá trị đến 2.000.000 đồng (Điều 28 Pháp lệnh xử lý hành chính). Việc chuyển giao tang vật, phương tiện phải được lập thành biên bản. Biên bản bàn giao tang vật, phương tiện phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao; người nhận, chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng (chất lượng) tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu.( Điều 35 Nghị định 128/2008/NĐ-CP). Như vậy mọi trường hợp tịch thu hay kê biên phải có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền và khi tịch thu hay kê biên tài sản đều phải lập biên bản. Việc tịch thu hay kê biên không theo đúng các quy định nêu trên đều được xem là không phù hợp pháp luật. Riêng đối với trường hợp đoàn cưỡng chế thu máy Ipad của chị Loan khi ghi hình việc cưỡng chế là hành vi vi phạm quyền công dân. Theo quy định pháp luật hiện hành, công dân có quyền giám sát, tham gia quản lý nhà nước vì vậy việc ghi hình sự kiện cưỡng chế là không trái pháp luật vì pháp luật không cấm. |