Từ vụ bác sỹ Lương, lời cảnh tỉnh nào cho ngành Y tế?
Quy trình là gì, mà sao Bộ Y tế phải lúng túng?
Nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa làm 9 người chết tại BVĐK tỉnh Hòa Bình là do hóa chất tồn dư trong hệ thống đường ống RO sau sửa chữa đã đi thẳng vào cơ thể người bệnh. Đó là nguyên nhân trực tiếp được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình kết luận.
Nhưng, với những diễn biến trong suốt 12 ngày xét xử, có thể thấy nguyên nhân sâu xa, đó là rất nhiều quy trình đã bị bỏ qua, hoặc cố tình làm trái. Trong lời nói sau cùng của 3 bị cáo trong vụ án này, có lẽ lời nói của bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ phòng Vật tư – Thiết bị y tế) là đáng để suy nghĩ hơn cả, đặc biệt với những người có trách nhiệm trong ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng:
“Bị cáo chỉ nhận bàn giao (thiết bị y tế - PV) từ Công ty Thiên Sơn, sau đó bàn giao lại cho các Khoa, không có một cơ quan nào đứng ra kiểm tra thiết bị sau sửa chữa... Bị cáo nghĩ sau vụ án này, tất cả những thiết bị y tế sau sửa chữa đều phải có một đơn vị hoặc ai đó trong phòng Vật tư kiểm soát việc đó. Từ trước đến nay không ai bảo bị cáo phải kiểm tra lại chất lượng trước khi đưa vào sử dụng.”
Những lời gan ruột trên của Trần Văn Sơn, chắc hẳn không phải để bào chữa cho mình, mà chính là những lời nhắn nhủ tới các quan chức ngành y tế, các lãnh đạo bệnh viện trên cả nước.
Bị cáo Trần Văn Sơn trả lời HĐXX trong phần xét hỏi. |
Với những gì đã được chỉ ra tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Danh Huế (Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) từng phải thốt lên: “Cứ làm như thế này, không chết người mới là chuyện lạ.”
Nói đến quy trình, người ta lại phải đặt câu hỏi, quy trình ở đâu khi Bộ Y tế chưa ban hành một quy trình nào cho việc chạy thận?
Theo khẳng định của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), sau khi sự cố y khoa ngày 29/05/2017 xảy ra, Bộ Y tế mới rà soát các quy định liên quan đến quản lý thiết bị nói chung và quản lý quả thận nhân tạo, hệ thống RO nói riêng. Đối chiếu với báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định về quy trình liên quan đến quản lý hệ thống RO và các quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan đến chạy thận cho bệnh nhân.
Thế nhưng, phải đến tháng 4/2018, tức gần 1 năm sau khi xảy ra sự cố, Bộ Y tế mới chính thức ban hành 52 quy trình khám chữa bệnh, trong đó có 7 quy trình liên quan đến lọc nước RO.
Mặc dù vậy, ông Quang cũng khẳng định các cơ sở y tế và nhà sản xuất thiết bị phải đảm bảo các tiêu chuẩn do họ tự công bố.
Ông Nguyễn Huy Quang có mặt tại tòa nhưng không làm thỏa mãn những người đặt câu hỏi. |
Theo Luật sư Trần Hồng Phúc (Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), đại diện Bộ Y tế nói tiêu chuẩn của nước RO là theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, vậy tiêu chuẩn của nhà sản xuất là như thế nào khi mỗi nhà sản xuất có một tiêu chuẩn khác nhau?
Trong khi đó, bộ tiêu chuẩn này chỉ áp dụng trên cơ sở thống nhất với những cơ sở áp dụng ngay từ đầu theo tiêu chuẩn thiết kế nhà sản xuất. Nhưng xét nghiệm AAMI chỉ có thể áp dụng với những hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn này.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, người trực tiếp sử dụng hóa chất axit HF và HCL trong quá trình rửa màng lọc RO, khai tại tòa chưa từng được học qua lớp đào tạo nghiệp vụ, và chỉ làm theo kinh nghiệm người khác chỉ cho.
Ngoài quy trình đối với việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO, có thể thấy một loạt quy trình khác đã không được BVĐK tỉnh Hòa Bình tuân thủ. Tại tòa, ông Hoàng Đình Khiếu (PGĐ bệnh viện) cho biết, Ban lãnh đạo bệnh viện từng có kế hoạch nâng cấp đơn nguyên thận nhân tạo thành một khoa riêng biệt. Trong đó, bác sỹ Hoàng Công Lương được “quy hoạch” sẽ trở thành Trưởng hoặc phó khoa.
Tuy nhiên, các luật sư đã chỉ ra rằng đơn nguyên thận nhân tạo được ông Trương Quý Dương (nguyên GĐ bệnh viện) thành lập trái phép từ năm 2010, và đến nay vẫn hoạt động “chui”.
Ngay cả đối với trường hợp bác sỹ Hoàng Công Lương, người được ông Khiếu khẳng định đã được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, nhưng sau khi sự việc xảy ra, người ta mới cuống cuồng ghi bổ sung vào sổ giao ban cuối năm 2015 và 2016 về nội dung này, nhằm mục đích dùng Hoàng Công Lương để “thí tốt” thay cho những người đáng ra phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Còn đối với bị cáo Trần Văn Sơn, theo lời khai trước tòa của ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị Y tế), Sơn được ông Thắng giao nhiều việc là bởi muốn “thử thách”, vì Sơn được “quy hoạch” làm Phó phòng Vật tư – Thiết bị y tế.
Tuy nhiên, các luật sư của Sơn cũng đã “vạch mặt” BVĐK tỉnh Hòa Bình khi chứng minh Trần Văn Sơn không hề có hợp đồng lao động với bệnh viện suốt từ năm 2015 cho đến khi xảy ra sự cố y khoa. Liệu một người “làm chui” trong suốt 2 năm trời lại có thể được “quy hoạch” làm Phó phòng như lời ông Thắng nói?
Và để hợp thức hóa vị trí, vai trò của Sơn, người ta cũng đã cuống cuồng lập hợp đồng lao động với Sơn sau khi xảy ra sự cố. Đáng chú ý, luật sư Phạm Quang Hòa (Luật sư của Sơn) đặt ra nghi vấn những người lập ra bản hợp đồng này đã dùng con dấu…. giả, chứ không phải con dấu duy nhất của bệnh viện.
Ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình. |
Lợi ích nhóm đang bủa vây bệnh viện?
Hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong vụ án này chính là cựu Giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương, và ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Chính ông Dương và ông Tuấn đã ký hợp đồng số 315 ngày 25/5/2017 để Thiên Sơn sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO số 2 tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Vấn đề ở chỗ, chính công ty Thiên Sơn lại bán gói thầu này cho công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh của bị cáo Bùi Mạnh Quốc, một công ty (theo lời bị cáo Quốc) đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là….xử lý nước thải. Hành vi bán thầu này cũng là nguyên nhân gián tiếp gây nên sự cố đau lòng dẫn đến vụ án này.
Sự mập mờ trong quan hệ làm ăn giữa ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn thể hiện qua việc công ty Thiên Sơn trang bị 18 máy chạy thận tại bệnh viện dưới vỏ bọc “xã hội hóa”. Thực chất là hình thức “BOT” trong chạy thận nhân tạo với mức giá 7,7 USD cho mỗi ca chạy thận, trong đó Thiên Sơn thu về 90% doanh thu, phía bệnh viện chỉ được hưởng 10%.
Đáng chú ý, Hòa Bình là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng mức giá chạy thận tại đây cao gấp đôi so với bệnh viện Bạch Mai, nơi có số lượng bệnh nhân chạy thận nhiều nhất miền Bắc.
Khi ông Đỗ Anh Tuấn vắng mặt, Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, Luật sư đại diện theo ủy quyền của công ty Thiên Sơn là người phải đứng ra hứng chịu nhiều chỉ trích thay cho thân chủ. |
Tại phiên tòa, Luật sư Trần Hồng Phúc nhiều lần khẳng định, Chính phủ chủ trương xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập, nhưng xã hội hóa phải là phi lợi nhuận, chứ không thể là vì lợi nhuận như cách mà Thiên Sơn đang làm.
Thậm chí, chính luật sư của BVĐK tỉnh Hòa Bình, Luật sư Nguyễn Danh Huế phải đặt ra nghi vấn công ty Thiên Sơn là công ty “sân sau” của cá nhân ông Trương Quý Dương. Liệu có bao nhiêu bệnh viện trên cả nước đang bắt tay với doanh nghiệp để “cắt cổ” bệnh nhân như tại BVĐK tỉnh Hòa Bình?
“Nếu không làm triệt để, không có bản án công mình thì lợi ích nhóm trong các bệnh viện sẽ tiếp tục hoành hành.” Luật sư Nguyễn Danh Huế kiến nghị với HĐXX.
Theo Luật sư Ngô Thị Thu Hằng (Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), vụ án này sẽ đi vào lịch sử ngành tố tụng, từ đó làm cho ngành y tế tốt hơn, nên cần làm rõ ngọn ngành. Nếu chỉ đi vào nguyên nhân là nguồn nước nhiễm độc, sẽ còn hàng trăm bệnh viện trên cả nước đang hoạt động với trang thiết bị không đảm bảo.
Nếu không làm rõ ngọn ngành, các bệnh viện sẽ cho rằng không cần phải hợp chuẩn hợp quy, không cần số lưu hành đối với thiết bị máy móc trong bệnh viện.
Cũng theo Luật sư Hằng, VKS đã dựa vào lời khai của ông Khiếu về việc có phân công nhiệm vụ cho bác sỹ Lương, nhưng các nhân chứng đã khai không có việc phân công nhiệm vụ.
“Ông Khiếu đã dùng bác sỹ Lương để thí tốt. Toàn những người có chức vụ quyền hạn lại đi dùng nhân viên để thí tốt, bị cáo Lương thì bị sửa biên bản họp giao ban, bị cáo Sơn thì bị làm hợp đồng lao động giả,” Luật sư Hằng nói trước tòa.
Đây cũng chính là kiến nghị của Luật sư Ngô Hồng Phúc khi trong lần bào chữa cho Hoàng Công Lương, bà Phúc cũng kiến nghị Bộ Y tế cần có một “bộ quy tắc ứng xử”, để mỗi khi có sự cố xảy ra, các lãnh đạo bệnh viện sẽ không còn đổ tội cho cấp dưới rồi… cao chạy xa bay.