Từ tháng 3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS được BHYT chi trả khi sử dụng thuốc ARV
Người bệnh HIV được chăm sóc y tế bền vững |
Yên tâm vì được đồng hành
Là một trong những bệnh nhân HIV đầu tiên trên cả nước được nhận thuốc ARV từ việc tham gia BHYT, anh Nguyễn Văn N. (38 tuổi, Hà Nội) cho biết: Anh bị mắc bệnh HIV từ năm 2005 do quan hệ tình dục không an toàn. Từ đó đến nay, anh đăng ký điều trị tại Trung tâm Y tế Cầu Diễn (nay là Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm) với nguồn thuốc ARV được tài trợ. Do thường xuyên đi KCB, anh N. đã biết đến giá trị của chính sách BHYT nên từ năm 2017, anh đã tham gia BHYT cho cả 4 thành viên trong gia đình. Và anh cũng không ngờ việc tham gia BHYT đó sẽ giúp anh điều trị ARV từ năm 2019 khi các nguồn tài trợ không còn.
“Cuối năm 2018, được bác sĩ cho biết từ năm 2019 không còn nguồn thuốc ARV tài trợ nữa, tôi đã rất hoang mang, lo lắng vì với người bệnh như chúng tôi, việc điều trị bằng thuốc ARV là suốt đời để duy trì sức khỏe, cuộc sống. Tôi cũng biết loại thuốc này là không hề rẻ. Vì vậy, tôi thấy mình rất may mắn vì đã tham gia BHYT, giờ đây tôi có thể yên tâm điều trị bệnh tật”- anh N.chia sẻ.
Với cô Nguyễn Thị Đ. (50 tuổi, Hà Nam) hôm nay sẽ là một ngày đáng nhớ khi cầm trên tay những lọ thuốc ARV cùng với tấm thẻ BHYT của mình. Cô Đ. bị HIV đã 11 năm nay. Trước cô là lao động tự do đi làm ở Hà Nội nên đăng ký KCB tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. Cô Đ. tâm sự: “Bị bệnh này, ai cũng muốn đăng ký khám chữa bệnh ở một nơi xa để mọi người không biết. Nhưng từ nay, chúng tôi cũng được KCB bằng BHYT nên tôi đang tính về quê chữa trị, làm ăn. Việc quỹ BHYT chi trả chi phí thuốc ARV là một thông tin rất vui với tôi trong Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 này”.
Đảm bảo tài chính bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hiện nay, cả nước có gần 140.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, đạt khoảng 70% người nhiễm HIV đã được phát hiện. Trong số đó, tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế và hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác theo con đường tình dục lên đến 95%. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế nhưng hiện các nguồn này đã giảm dần theo lộ trình và đã kết thúc vào năm 2018. Để đảm bảo tính bền vững trong điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương sử dụng nguồn từ quỹ BHYT để thay thế. Thực hiện chủ trương này, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các địa phương thực hiện hàng loạt các giải pháp như: Ban hành các văn bản pháp quy; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS; mở rộng tỷ lệ người HIV có thẻ BHYT; tổ chức đấu thầu thuốc tập trung ARV sử dụng nguồn quỹ BHYT…
Việc BHYT chi trả cho bệnh nhân có H, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong đảm bảo tài chính cho điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Cũng tại thời điểm này, 188 cơ sở điều trị ARV trên toàn quốc bắt đầu điều trị ARV cho bệnh nhân thông qua BHYT; phấn đấu hết năm 2019 sẽ có trên 40.000 bệnh nhận được nhận thuốc ARV qua BHYT và tiếp tục tăng nhanh trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Những người không may bị nhiễm HIV cần cố gắng tham gia BHYT và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Các địa phương cần bố trí, huy động kinh phí để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT và hỗ trợ trợ phần đồng chi trả chi phí thuốc ARV từ quỹ BHYT cho người bệnh. Các cơ sở điều trị cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh HIV/AIDS được KCB với chất lượng cao, ân cần, niềm nở, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử và bảo mật thông tin cá nhân cho người bệnh…
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay, người nhiễm HIV sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng hộ gia đình. Và từ khi có thông tin sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn quỹ BHYT, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm bệnh nhân này đã tăng lên nhanh chóng, từ 30% năm 2015 lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đã đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT bởi với bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời, nếu không tham gia BHYT, người có HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hằng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua quỹ BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam./.