Tự chủ bệnh viện: Làm sao để không lấy tài sản công phục vụ người giàu?
Ảnh minh họa. |
Ngoài việc lo ngại tự chủ hoàn toàn sẽ sinh ra những tập đoàn y tế công và phá sản các bệnh viện tuyến huyện, thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân tiếp tục có những mổ xẻ cùng Infonet về vấn đề tự chủ hoàn toàn của các bệnh viện tuyến trung ương.
Bốn bệnh viện được tự chủ hoàn toàn nhưng vẫn bị “áp trần”. Các bệnh viện sẽ có cơ hội phát triển nhưng nhiều người lo ngại bệnh nhân sẽ không còn được bình đẳng mà chia khoảng cách giàu nghèo ngay chính trên nền bệnh viện nhà nước. Ông có nghĩ như thế nào vì điều đó?
Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân: Phân tầng trong dịch vụ y tế là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, khác với giáo dục, phân tầng trong y tế tạo nên những bức xúc xã hội lớn, thậm chí là sự kích động.
Cho nên việc phân tầng cần chú ý:
-Chỉ nên phần tầng ở yếu tố dịch vụ, không nên phân tầng ở yếu tố chuyên môn. Trước mặt một bác sĩ là một bệnh nhân, nhiệm vụ bác sĩ là giải quyết bệnh tật cho bệnh nhân, bất kể họ là ai. Không phải nhìn họ là nhà giàu nhiều tiền thì khám nhiều, là nhà nghèo ít tiền khám ít là mất đi tính chuyên nghiệp của một người làm nghề y. Nhưng nhà giàu có thể ngồi phòng máy lạnh, có trà nước, có hoa tươi. Còn nhà nghèo thì chịu khó dùng quạt và chỉ có những tiện ích tối thiểu.
-Các bệnh viện hiện nay phân tầng chủ yếu lại nhắm vào yếu tố chuyên môn (khám chuyên gia, khám GS, máy CT 640 lát giá khác 64 lát giá khác. Chụp 640 hay 64 là do chỉ định chuyên môn của bác sĩ, không phải nghèo thì chụp 64, giàu thì chụp 640), đó là một mầm mống gây ra bất ổn cho xã hội, cho nên Bộ Y tế cần có những hướng dẫn chi tiết cho những cách phân tầng này.
Điều gây tranh cãi nhất trong phân tầng dịch vụ y tế là lấy tài sản công phục vụ nhà giàu, trong khi lợi nhuận từ quá trình này thì lại chia cho nhà đầu tư hay nhóm lợi ích nào đó. Cho nên mới dẫn đến việc áp giá trần để hạn chế xu hướng này. Tôi nghĩ, giải pháp tình thế này thực sự không hiệu quả, vì nó lại tiếp tục cào bằng và không phân tầng thật sự.
Cốt lõi của việc này nằm ở chỗ rạch ròi chi phí, đặc biệt là chi phí cho đầu tư hạ tầng. Ở những nơi dịch vụ không thuộc chính sách trợ giá bao cấp y tế, thì phải tính đúng tính đủ (ngay cả giá thuê đất, giá dùng chung hệ thống hạ tầng), khi đó chi phí dịch vụ mới phản ánh đúng bản chất của quá trình cạnh tranh, vì nếu không y tế tư nhân sẽ gặp khó, và sự trục lợi của lợi ích nhóm sẽ rất lớn.
Đây thuộc về năng lực quản trị chi phí trong các bệnh viện hiện nay. Ở góc độ chi phí, cần hình thành các Trung tâm chi phí trong quản trị bệnh viện và xem việc “mua bán dịch vụ nội bộ” hình thành nên dòng chảy chi phí bên trong một bệnh viện là một đối tượng cần phải triển khai nâng cao năng lực thực hiện.
Việc này biết là khó, là phức tạp, nhưng sớm muộn gì cũng phải làm, nếu muốn giải bài toán tự chủ một cách hiệu quả.
Module hóa bệnh viện, hình thành trung tâm chi phí trên từng module, triển khai các “nghiệp vụ mua bán nội bộ” còn giúp cho ngành y triển khai mô hình BOT thu hút nguồn vốn xã hội tốt hơn cho các nhu cầu rất cần tiền trong bệnh viện hiện nay. Ở góc độ nhà đầu tư, sẽ hình thành các nhà đầu tư BOT chuyên nghiệp, tối ưu hóa được chi phí và năng lực công nghệ.
Theo ông làm thế nào để y tế mang tính minh bạch, công ra công – tư ra tư, người nghèo vẫn có cơ hội được hưởng các dịch vụ y tế cao cấp mang lại tính bình đẳng cho y tế?
Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân: Minh bạch là luôn cần thiết, minh bạch chính sách, minh bạch đề án tự chủ, minh bạch danh mục ưu tiên khuyến khích đầu tư và cả danh mục hạn chế đầu tư.
Y tế mang tính nhân văn, cần sự bình đẳng với người bệnh, tuy nhiên lại cần có sự phân tầng để người có khả năng chi trả nhiều hơn, khi đó ta mới có kinh phí để nuôi dưỡng sự phát triển. Và khi có sự phát triển thì người nghèo mới được hưởng.
Nói nôm na phân tầng trong dịch vụ y tế là sự ưu tiên cho người giàu dùng trước những tiện ích, để từ đó người nghèo có được sự hưởng lợi theo sau.
Vấn đề là quá trình phân tầng cần hạn chế sự xung đột mâu thuẫn giai cấp, và sự kích động của người nghèo.
Một vấn đề mà nhiều người quan tâm đó là tự chủ hoàn toàn thì có cần định giá tài sản công được nhà nước đầu tư trước đó thậm chí cả mặt bằng không, thưa ông?
Thạc sĩ Hoàng Bảo Tuân: Định giá tài sản bệnh viện là bài toán khó. Trên nguyên lý, giống như quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Định giá tài sản để hình thành giá nền (phản ánh tài sản cố định), còn đấu giá sẽ phản ánh thực sự giá trị của một công ty (có cả tài sản vô hình như thương hiệu, uy tín, đội ngũ, tiềm năng phát triển…). Tuy nhiên, việc này lại vô cùng phức tạp với bệnh viện.
Về mặt chủ trương, Việt Nam không đồng ý cổ phần hóa bệnh viện, càng không có chuyện đấu giá để phản ánh quá trình định giá một cách tốt nhất. Cho nên, nếu định giá chỉ trên nền tảng giá trị hữu hình thì nó dẫn đến thất thoát rất lớn tài sản nhà nước.
Và đến lúc này cũng không có một mô hình toán học nào có thể dùng được (thuyết phục được) để định giá tài sản vô hình của một bệnh viện.
Y tế là ngành thuộc về “kinh tế tri thức”, cho nên tài sản vô hình (tri thức, trí tuệ…) lớn gấp trăm lần, ngàn lần tài sản hữu hình là việc không khó hình dung.
Và đặc biệt hơn nữa là tài sản tri thức lại không có biên giới để bao lại, nó mang tính linh động và bất định. Cho nên định giá hôm nay lúc còn tri thức này, ngày mai không còn nữa thì sao?
Ai sẽ dám đứng ra để thực hiện quá trình định giá này?!
Cho nên, thay vì đi giải bài toán định giá, ta đi giải 2 bài toán khác khả thi hơn, sẽ giúp giải quyết được điểm "nghẽn" tốt hơn là:
1.Lập danh mục chuyên môn, chuyên ngành khuyến khích, ưu đãi và hạn chế đầu tư cho từng trường hợp tự chủ. Có một hội đồng phê duyệt danh mục này và công khai minh bạch danh mục này.
2.Module hóa bệnh viện và hình thành các trung tâm chi phí, từ đó tính đúng tính đủ các quá trình trong dòng chảy chi phí. Và phải chấp nhận sự trộn lẫn công tư trong một bệnh viện, xem bệnh viện là một cấu trúc mở, không phải cấu trúc đóng. Ở góc độ chi phí, hình dung bệnh viện như một khu đô thị vậy!
Xin cảm ơn ông!
Kỳ tới: 4 "siêu bệnh viện" được tự chủ hoàn toàn: "Chẳng khác gì mâm cỗ được bày sẵn!"