Từ Charlie Hebdo đến Ngày lễ Bastille: Nước Pháp tan nát vì khủng bố
Hiện vẫn còn quá sớm để xác định động cơ, danh tính hay tổ chức đứng đằng sau hung thủ đã cố tình lái xe tải đâm vào đám đông đang chào đón Ngày lễ Bastille ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp. Nhưng đây là vụ việc mới nhất sau hàng loạt những vụ tấn công đẫm máu kể từ khi tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo bị những phần tử có vũ trang xả súng và giết hại hàng chục người vào tháng 1/2015.
Người dân Pháp giơ tay lên đầu để chứng tỏ mình không mang vũ khí, sau khi vụ tấn công ở Nice xảy ra. |
Nạn nhân vụ khủng bố ở Nice đã kéo dài danh sách những người thiệt mạng vì khủng bố ở Pháp, từ vụ Charlie Hebdo, vụ những người bị sát hại tại một siêu thị của người Do Thái và vụ khủng bố liên hoàn ở Paris vào tháng 11/2015. Thế nhưng, giới chức Pháp khẳng định rằng từ đó đến nay nhiều âm mưu tấn công đã bị chặn đứng.
Sau khi Paris bị tấn công, chính phủ Pháp đã thiết lập tình trạng khẩn cấp an ninh. Vào ngày xảy ra vụ tấn công ở Nice, Tổng thống Pháp Francoid Hollande tuyên bố rằng tình trạng trên sẽ được dỡ bỏ khi giải đua xe đạp Tour de France kết thúc vào cuối tháng 7 này. Tình trạng khẩn cấp cho phép cảnh sát có thể khám xét mà không cần trát của tòa án, cũng như quản thúc nghi phạm tại nhà riêng.
Theo điều tra của một ủy ban thuộc Quốc hội Pháp đối với các vụ khủng bố đã xảy ra trong năm 2015, rất nhiều sai lầm trong cung cách hoạt động của các cơ quan tình báo Pháp đã bộc lộ. Theo đó, mạng lưới tình báo Pháp “đã thất bại toàn diện” và cần phải tái cơ cấu lại, nhằm thành lập một cơ quan tình báo chung giống như của Mỹ. “Đất nước chưa từng sẵn sàng cho điều này, nhưng giờ chúng ta phải làm vậy”, ông Georges Fenech, người đứng đầu ủy ban cho biết. Pháp có 6 cơ quan tình báo khác nhau trực thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Kinh tế của nước này.
Hung thủ của vụ khủng bố Paris đã chọn ngày đội tuyển bóng đá quốc gia đang thi đấu, còn vụ tấn công ở Nice diễn ra vào một trong những ngày lễ lớn của Pháp. Ngày Bastille là một trong những dịp quan trọng đối với nhiều người Pháp. Mặc dù đây không phải là điểm bắt đầu và kết thúc của Cách mạng Pháp, sự kiện người dân xông vào nhà tù Bastille, một biểu tượng của quyền lực Hoàng gia Pháp để giải phóng những tù nhân bên trong, đã đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ độc tài và thể hiện tinh thần của nước Cộng hòa Pháp.
Trong ngày này, nhiều tuyến bố đã bị cảnh sát phong tỏa. Gia đình và bạn bè thường tụ họp bên nhau và các màn bắn pháo hoa hoành tráng được tổ chức. Và tại một địa điểm có đông người tụ tập, hung thủ đã ra tay. Một vụ tấn công như vậy rõ ràng là nhằm đánh vào danh dự và bản sắc của một đất nước.
Binh lính Pháp đã có mặt tại khu vực hiện trường vụ việc. |
Trên tinh thần đó, những vụ khủng bố đã xảy ra ở Pháp từ tháng 1/2015 đến nay đều nhằm gây khủng hoảng tinh thần đối với người Pháp. Trong vụ ở Paris, ngoài sân vận động quốc gia khi đó có nhiều người đến xem bóng đá, nhiều địa điểm mà người dân thường có mặt để giao du đã trở thành mục tiêu. Còn vụ Charlie Hebdo, hung thủ có ý đồ tấn công vào quyền tự do ngôn luận mà người Pháp luôn tự hào đang sở hữu.
Xen giữa những vụ việc trên, một vụ tấn công khác xảy ra vào tháng 8/2015 khi một phần tử có vũ trang đã nổ súng trên một đoàn tàu cao tốc, khi đó có 500 hành khách trên tàu. Tên này đã nhanh chóng bị 3 người Mỹ, hai trong số đó là binh lính, và một người Anh khống chế. Khi bị bắt, hung thủ đang mang trong người một khẩu súng trường AK, súng lục tự động và nhiều dao cạo.
Vào tháng 6 vừa qua, một người đàn ông từng có liên quan đến một tổ chức khủng bố đã dùng dao dâm chết một sĩ quan cảnh sát cấp cao và vợ tại căn nhà của họ ở ngoại ô Paris, đồng thời quay trực tiếp toàn bộ vụ việc.
Để đáp trả những vụ khủng bố trên, người Pháp đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết của mình. Họ tập trung tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris, nơi mang ý nghĩa tượng trưng đối với nhiều người Pháp. Họ cũng đã đồng ý “mở cửa” cho những người gặp nạn sau khi vụ khủng bố ở Nice xảy ra và chắc chắn người dân sẽ còn tập trung ở nhiều nơi để cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố đẫm máu này.
Các cơ quan ở Châu Âu và Mỹ cũng đang đi tìm phương án đáp trả sau khi vụ khủng bố ở Nice xảy ra. Tổng thống Barack Obama phát biểu rằng đây là “một vụ khủng bố chết người nữa” và cho biết chính phủ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Pháp để điều tra vụ việc.
Bộ Ngoại giao Anh cũng đã yêu cầu người dân Anh ở Pháp hãy cảnh giác cao độ và làm theo chỉ dẫn của các quan chức địa phương. Theo thông tin ban đầu, vụ việc này do một phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện, bởi nhiều tạp chí trực thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda đã từng giới thiệu chiến thuật dùng xe tải đâm vào một đám đông để “thánh chiến”.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.