Từ 2025, 40-50% công chức làm việc "tay bo" với đối tác quốc tế không cần phiên dịch
![]() |
Mục tiêu đề án đến năm 2025, 40- 50% cán bộ công chức làm việc "tay bo" với đối tác quốc tế mà không cần phiên dịch. (Ảnh minh họa) |
Bộ Nội vụ đang dự thảo Đề án Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp để xin ý kiến góp ý vào dự thảo.
Mục tiêu chung của dề án trên là nhằm đẩy mạnh và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đối tượng của đề án là cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề án sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng trình độ và năng lực ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp (gọi chung là cán bộ); công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ thời gian qua; đề xuất mô hình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ phù hợp cán bộ phục vụ thực hiện nhiệm vụ và thực thi công vụ trong xu thế hội nhập; xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ tích cực học tập ngoại ngữ, nâng cao năng lực để làm việc được trong môi trường quốc tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực ngoại ngữ đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực ngoại ngữ chuyên nghiệp, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý. Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ngang tầm nhiệm vụ.
Cụ thể, đối với cán bộ ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện: 100% được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý. Phấn đấu đạt 40-50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Trong đó 50-60% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên ở Trung ương được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 25-35% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 20-25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã: phấn đấu 100% được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn về năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu. Trong đó, 15-20% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đề án cũng đề xuất thực hiện đồng bộ 9 nhiệm vụ và giải pháp như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức; rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức của từng bộ, ngành, địa phương; rà soát, xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tích cực học tập ngoại ngữ, nâng cao năng lực để làm việc được trong môi trường quốc tế; thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ có uy tín tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức.
Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất các mô hình phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức các cấp phục vụ thực hiện nhiệm vụ và thực thi công vụ trong xu thế hội nhập; nghiên cứu xây dựng và triển khai chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức phù hợp với các mô hình đã được xây dựng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, ngạch và vị trí việc làm và phục vụ thực hiện nhiệm vụ.
Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo tiếp cận chuẩn quốc tế; phát triển năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên tham gia dạy (đào tạo, bồi dưỡng) ngoại ngữ cho cán bộ, công chức có trình độ, phương pháp sư phạm và có kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực; tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức; tăng cường hợp tác quốc tế và xây dựng môi trường học ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.
Đề án bắt đầu thực hiện từ năm 2019 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2019-2020, các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng chương trình học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình với các mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động và theo nhóm đối tượng cụ thể.
Giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo sẽ đẩy mạnh thực hiện đề án Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức các cấp đã được phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.