Từ 1/7, xe không lắp camera giám sát hành trình sẽ bị phạt tới 12 triệu
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5-6 triệu đồng; đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định.
Đối với bất cứ phương tiện nào khi tham gia giao thông cũng cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì thế, việc sử dụng camera hành trình đối với những loại phương tiện phổ biến như ôtô, xe máy là điều hết sức cần thiết.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn theo Nghị định 10.
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng lộ trình quy định tại Nghị định 10/CP/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch, nhất là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Thế nhưng, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị, trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch, hoạt động doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, các đầu xe chủ yếu đắp chiếu. Các doanh nghiệp đề nghị chưa áp dụng các hình thức xử phạt đối với những phương tiện ngừng hoạt động trong thời gian nghỉ dịch.
Báo Tin tức đưa tin, theo đại diện Công ty Thương mại và xây dựng Đông Bắc, doanh nghiệp có trên 100 đầu xe buýt, kinh phí để lắp đặt camera ước khoảng 6 - 7 triệu đồng/xe, tổng kinh phí lắp đặt khoảng gần 1 tỷ đồng, song 1/3 số lượng xe của doanh nghiệp hiện phải tạm dừng hoạt động, các xe đang chạy cũng ít khách. Do đó, doanh nghiệp cam kết khi nào xe hoạt động trở lại sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát hành trình, còn trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hiện nay đề nghị cơ quan chức năng không xử phạt...
Nghị định 100/CP/2019 về xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát hành trình.
Đối với lái xe, Nghị định quy định xử phạt 1 - 2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.
Do đó, các phương tiện vận tải bắt buộc phải lắp camera hành trình trong quá trình lưu thông, nếu không, từ ngày 1/7 sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật...
Camera hành trình còn được gọi là thiết bị giám sát hành trình hay camera giám sát hành trình là hệ thống camera giúp lưu trữ các thông tin ghi được trên suốt quá trình xe lăn bánh.
Ngoài ra, camera hành trình còn có khả năng quan sát xung quanh với góc quay rộng, hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Pháp luật và bạn đọc