TT Trump quyết trừng phạt mọi hành vi can thiệp bầu cử từ nước ngoài
Quyết định của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan tình báo, hành pháp và quốc phòng của Mỹ đang chuẩn bị bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra vào ngày 6/11 tới trước những cuộc tấn công mạng có thể xảy ra, cho dù ông Trump chỉ trích cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trừng phạt mọi âm mưu can thiệp bầu cử từ bên ngoài. |
Các mục tiêu bị trừng phạt có thể bao gồm các cá nhân riêng biệt hoặc các công ty lớn nhỏ bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ bằng xâm nhập mạng hay các hình thức tấn công khác. Một quan chức Mỹ cho biết: “Chính phủ muốn thiết lập những quy tắc mới trên không gian mạng. Đây là bước đầu tiên trong việc xác lập những ranh giới không được xâm phạm và công khai những hành động mà chúng tôi sẽ làm để trừng trị những hành vi xấu”.
Mệnh lệnh hành pháp mới này là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm củng cố an ninh trước khi cuộc bầu cử tháng 11 diễn ra. Đây là một sự kiện có tính chất quyết định đến khả năng đảng Cộng hòa có thể giữ được đa số ghế trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ hay không.
Mệnh lệnh này cho phép một số cơ quan an ninh của Mỹ như CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ có thể hành động dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia. Dựa trên một bản nháp của mệnh lệnh, bất kỳ cơ quan nào phát hiện có hành vi can thiệp bầu cử của nước ngoài đều phải báo cáo lên Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Các hành vi can thiệp bầu cử được xác định gồm có những âm mưu xâm nhập mạng nhằm vào “các cơ sở hạ tầng phục vụ bầu cử” cùng những kế hoạch nhằm tác động dư luận bằng hoạt động tuyên truyền qua mạng hoặc rò rỉ những thông tin chính trị bí mật.
Trước đó, các quan chức Mỹ đã cáo buộc các tin tặc Nga xâm nhập vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và tiết lộ những thông tin mật của đảng này trước khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 diễn ra. Các nghị sĩ Mỹ đã công bố một loạt những đạo luật liên quan tới Nga, trong đó có “Đạo luật Giải trừ” (Deter Act) nhằm trừng phạt những hành vi can thiệp bầu cử, và một dự luật trừng phạt Nga vì vấn đề Syria, Ukraine và nhiều nơi khác.
Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tỏ ra không hài lòng trước quan điểm có phần mềm yếu của ông Trump trước cáo buộc can thiệp bầu cử của Nga khi ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 7 vừa qua. Ông Trump đã chấp nhận sự phủ nhận của ông Putin mặc cho những kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ.
Hơn một năm trước, Quốc hội Mỹ cũng thông qua một đạo luật trừng phạt đối với Nga. Một số nghị sĩ của cả hai đảng đều chỉ trích việc chính quyền Trump tỏ ra do dự không thực thi đạo luật này, và ông Trump chỉ ký duyệt nó sau khi phần lớn nghị sĩ trong quốc hội bỏ phiếu ủng hộ.