TSKH. Phan Đình Tân nói gì về cuốn “Từ điển tiếng Việt – phê bình và khảo cứu"?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TSKH Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương.
![]() |
TSKH Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương |
Thưa TSKH, hiện nay cuốn sách Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu” của tác giả Hoàng Tuấn Công đang tạo ra những tranh cãi “nảy lửa”. Xin TS, cho biết quan điểm của mình về cuốn sách này?
TSKH Phan Đình Tân: Thực ra, theo tôi, trước khi nói đến chất lượng của hai cuốn sách chúng ta nên nói đến bản chất của việc tranh luận. Bản chất của tranh luận là ứng xử với những công trình khoa học.
Tức là cả người phê bình và người bị phê bình cũng cần có những ứng xử phù hợp. Để phê bình một cuốn sách hay một công trình khoa học chúng ta phải đặt mình vào trong bối cảnh lịch sử và những điều kiện mà cuốn sách ra đời.
Ngôn ngữ là cả quá trình vận động, điều chỉnh, thay đổi, dung hợp, tiếp biến để ngày càng hoàn thiện, ngôn ngữ không bao giờ là tuyệt đối và bất biến. Vì thế, trong bối cảnh lịch sử mà GS. Nguyễn Lân viết cuốn từ điển thì người phê bình phải đặt mình trong bối cảnh đó để phê bình và đánh giá cho khách quan hơn. Đương nhiên, nếu tham chiếu từ các kênh thông tin thì trong đó sẽ có nhiều từ, cụm từ cho đến nay cần hiệu đính và cập nhật lại.
Trước khi phê bình, chúng ta cũng nên thừa nhận và đánh giá cao công trình của GS. Nguyễn Lân. Đó là công trình nghiêm túc, đóng góp tài năng, trí tuệ, tâm sức cho khoa học, nhất là trong lĩnh vực ngôn ngữ.
Về vấn đề phê bình, theo tôi nghĩ cả người khen, người được khen hay người chê và người bị chê cũng nên có thái độ cầu thị, khoa học, khách quan và chuẩn mực. Chúng ta tránh việc trong quá trình phê bình mà sử dụng ngôn ngữ áp đặt, võ đoán, duy ý chí hay nói là “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết”. Chúng ta đừng bao giờ cho rằng mình luôn luôn đúng mà phải biết khách quan hóa chủ quan của mình.
Hiện nay, trong nhiều công trình kể cả nhiều cuốn từ điển cần phải điều chỉnh và thích nghi với xã hội hiện đại. Ví như có những cuốn từ điển xuất xứ từ rất lâu và có những từ mà ngôn ngữ hiện đại hay sử dụng nhưng thiếu vắng, ví như từ “phượt”, "bá đạo", "thốn", "đứng hình", trẻ trâu" - "sửu nhi", "soái ca", "thánh soi", "ngay và luôn"...
Đôi khi trong những cuốn từ điển có những khái niệm, định nghĩa sai và nguy hiểm ở chỗ là cuốn từ điển này trích dẫn sang cuốn từ điển khác và dẫn tới việc sai một cách có hệ thống.
Trong cuộc tranh cãi này, tôi nghĩ các cơ quan chuyên môn cần phải có cuộc tọa đàm, đi đến những đánh giá khách quan để tránh việc tranh luận dẫn đến cực đoan nói xấu nhau, công kích nhau. Khi tranh luận, phê bình, góp ý cho ai đó tối kỵ việc mục đích chính là làm giảm giá trị người khác để nâng giá trị của mình lên.
Chúng ta nên tiếp thu cầu thị nhưng cũng cần khách quan trước việc tiếp nhận các thông tin và ứng xử. Bằng kiến thức mà từng giai đoạn lịch sử nên nhận thức về vấn đề đó khác nhau. Chính vì vậy chúng ta cũng đừng đòi hỏi quá nhiều khi trong điều kiện như thế mà GS. Nguyễn Lân có một cuốn từ điển mang đến nhiều tri thức như vậy.
Theo tôi, hiện nay chúng ta cũng nên rà soát và điều chỉnh lại, chỗ nào chưa hợp lý, chưa chặt chẽ sẽ bổ sung, điều chỉnh, làm lại. Trong khoa học nên có bản lĩnh nhưng đừng bảo thủ.
Cuốn sách phê bình và khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công ra đời, nhiều người cho rằng tác giả Hoàng Tuấn Công đang cố tình bắt lỗi và bới móc tác giả Nguyễn Lân. TS. Suy nghĩ thế nào về điều này?
TSKH Phan Đình Tân: Người ta hay dùng từ “soi”. Ở đây là “soi” lại từng từ từng ngữ một. Điều đó cũng có cái hay và tính tích cực riêng, vì khen rất dễ, nhưng chê rất khó và phải có bản lĩnh, đặc biệt là phát hiện ra những cái sai, cái thiếu của những tác giả, những công trìn mà nhiều thế hệ tôn thờ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ta nên ứng xử thế nào cho có văn hóa, kể cả việc góp ý, điều chỉnh cũng nên có tính xây dựng. Điều không nên là việc phê bình gây sự ức chế bằng những từ ngữ nặng lời và áp đặt.
Hiện nay xã hội thay đổi, lịch sử thay đổi thì ngôn ngữ cũng cần phải điều chỉnh. Có những vấn đề đúng, cũng có những vấn đề thiếu hoặc sai và chúng ta cần có sự phân biệt đúng sai nhưng đừng nên cực đoan là phải rạch ròi giữa sai và đúng một cách tuyệt đối. Điều này rất cần thiết nên là một cơ quan chủ quản có chuyên môn đứng ra thực hiện cho khách quan và đảm bảo tính khoa học.
TSKH suy nghĩ thế nào về việc sau này sẽ tiếp tục có một cuốn sách phê bình về cuốn sách của tác giả Hoàng Tuấn Công?
TSKH Phan Đình Tân: Thực ra chúng ta không ngại việc phê bình và được phê bình. Quan trọng là người phê bình và người được phê bình phải trên cơ sở cầu thị, lắng nghe và tôn trọng nhau, như người xưa có câu "nói phải củ cải phải nghe" mà. Đúng sai chúng ta có thể phân biệt được, chuyện tuyệt đối thì khó nhưng tương đối là điều chúng ta có thể làm.
Vấn đề là phân định rạch ròi trong khoa học xã hội và nhân văn là điều cực kỳ khó. Ranh giới giữa đúng sai, phải trái, tâm linh và mê tín dị đoan... rất khó phân định. Vì thế, chúng ta đừng đòi hỏi quá rạch ròi và tuyệt đối hóa vấn đề mà nên dừng lại ở chỗ góp ý mang tính xây dựng cho nhau sẽ hay hơn.
Xin cảm ơn TSKH về cuộc trò chuyện này!