Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà

Đã tới thời điểm chúng ta cần sự rõ ràng từ phía nhà nước với nhân dân. Rõ ràng để cảnh giác với Trung Quốc. Rõ ràng để thận trọng trong việc tiếp tục "vừa hợp tác vừa đấu tranh", rõ ràng để có thông tin đúng, đàng hoàng với lịch sử nước nhà.

1.

Lời dẫn: Để gửi tới bạn đọc một Shop Tin về chủ đề "Trận chiến Gạc Ma" tôi đã rất công phu để đọc, xem, tìm hiểu nhiều thông tin. Chúng ta uất vì cả một quãng thời gian rất dài, trong nhiều thập niên, nhiều thế hệ không biết đến sự kiện này vì sách giáo khoa lịch sử không nhắc tới, cũng như cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 và biên giới Tây Nam cùng thời gian này, sách giáo khoa chỉ vỏn vẹn mấy trăm chữ nhắc tới sơ lược. 

Cũng thời gian dài báo chí cũng rất và rất ít đề cập, nếu có lại chỉ đề cập "rón rén", hoặc đăng rồi gỡ...Mấy năm gần đây tình hình thông tin có khá hơn, rõ hơn, dù lúc mờ lúc đậm, nhưng bắt đầu sáng tỏ...

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 1

Bộ đội Hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa năm 1988

Nhưng không vì thế mà chúng ta không có cái nhìn thực sự khách quan về chủ quyền biển đảo qua nhiều thập niên của đất nước trong quan hệ với Trung Quốc. Cũng như không vì thế mà chúng ta có nhiều đánh giá hoặc cảm nhận sai về bản chất cuộc chiến không cân sức giữa một bên là vũ khí, âm mưu xâm lược hung hãn, tàn ác của lính Trung Quốc và một bên là các chiến sĩ hải quân công binh của ta chỉ với súng tiểu liên trong tay. 

Cũng như chúng ta cũng đừng quên rằng ngay trong thời điểm 1988, Trung Quốc không chỉ chiếm mỗi Gạc Ma của chúng ta. Và cũng đừng hỏi rằng tại sao chúng ta lại để mất đảo, tại sao không cho nổ súng  trước (không cho nổ súng trước chứ không phải cấm nổ súng), tại sao không chiếm lại Gạc Ma nếu không hiểu tường tận sự thực tình hình tại thời điểm đó.

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 2

Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 ( tại Khánh Hoà)

Điều đáng trách nhất, điều khiến chúng ta phẫn nộ nhất là vì sao không đưa vào sách giáo khoa?

Tôi cho rằng, đã  tới lúc cần tiếng nói của một lãnh đạo cấp cao giải thích hoặc xin lỗi nhân dân về chính sự chậm trễ, hoặc ấu trĩ trong nhận thức, hoặc mơ hồ về tình hữu nghị với Trung Quốc, hoặc ảo tưởng vào lời hứa hẹn của chính phủ Trung Quốc để rồi làm rơi rớt, xoá nhoà những điểm nhấn lịch sử quan trọng, bi tráng của dân tộc như trận chiến Gạc Ma, cuộc chiến biên giới phía bắc.

Đã tới thời điểm chúng ta cần sự rõ ràng từ phía nhà nước với nhân dân. Rõ ràng để cảnh giác với Trung Quốc. Rõ ràng để thận trọng của việc tiếp tục "vừa hợp tác vừa đấu tranh", rõ ràng để nhìn Trung Quốc ở việc họ làm chứ không tin vào mồm mép tuyên bố của họ, rõ ràng để có đối sách đúng, tạo niềm tin đúng và có ứng xử đúng đắn, đàng hoàng với lịch sử nước nhà.

Shop TIN hôm nay chia thành 4 phần nội dung gửi các bạn.

2.

Phần 1: ÂM MƯU NHAM HIỂM VÀ LIÊN TỤC CỦA TRUNG QUỐC:

Ngày 30/4/1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, đất nước Việt Nam liền một mối, bước vào giai đoạn tái thiết, tổ chức thống nhất hai miền Nam - Bắc.

Ngày 9/9/1975, tại Hội nghị Khí tượng Á châu ở Colombo, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam yêu cầu giữ nguyên đăng ký vào hệ thống SYNOP của OMM đài khí tượng của Việt Nam đặt tại quần đảo Hoàng Sa dưới danh số 48860.

Ngày 24/9/1975, tại cuộc gặp gỡ phái đoàn của Đảng và Nhà nước Việt Nam do Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, ông Đặng Tiểu Bình lúc này là phó chủ tịch Đảng Cộng sản kiêm phó thủ tướng Trung Quốc thừa nhận giữa hai nước còn tồn tại vấn đề Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Đặng Tiểu Bình hứa hẹn: “ Vấn đề sẽ được đưa ra giải quyết trong tương lai”.

Ngày 10/11/1975, Bộ ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc công hàm nhắc lại tuyên bố ngày 24/9 của Đặng Tiểu Bình và đề nghị ngưng tuyên truyền liên quan đến tranh chấp về các quần đảo nhằm tạo không khí thuận lợi cho việc thương thảo.

Tuy nhiên trong công hàm trả lời ngày 24/12/1975, Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ đề nghị này.

Ngày 3/12/1975, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Kinh khẳng định với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 5/6/1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố Việt Nam sẽ giành quyền bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 2/7/1976, sau cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức ra đời.

Ngày 12/5/1977, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Tuyên ngôn về vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 7/10/1977, Việt Nam và Trung Quốc có cuộc họp đàm phán về biên giới. Trưởng đoàn Việt Nam Phan Hiền đề nghị đăng ký thảo luận về quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Hàn Niệm Long từ chối.

Tháng 9 và tháng 10 năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần lượt đi thăm hai nước Philipines và Malaysia, ký thỏa thuận với Tổng thống và Thủ tướng hai nước để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Giai đoạn này quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng. Trung Quốc từ chỗ thừa nhận Hoàng Sa là “vấn đề tranh chấp” sang hẳn luận điểm “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không cần tranh cãi”.

Một số hình ảnh xây dựng đảo và bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Hải Quân Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ 20:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 3
Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 4
Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 5
Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 6

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Sau hai tuần bị thiệt hại nặng nề, Trung Quốc rút quân.

Ngày 15/3/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng về biên giới Việt – Trung, trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 3/7/1979, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc thiết lập 4 vùng nguy hiểm trong không phận Tây Sa (tức Hoàng Sa) với ý đồ buộc quốc tế phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa.

Ngày 7/8/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ hoàn toàn ý đồ xuyên tạc của Trung Quốc.

Ngày 8/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố tài liệu xác minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 25/3/1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo An Bang cũng như quần đảo Trường Sa.

Ngày 4/2/1982, chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày 9/12/1982, chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa. Đến ngày 28 tháng 12 năm 1982, chính phủ Việt Nam quyết định huyện Trường Sa được nhập vào tỉnh Phú Khánh.

Năm 1984, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng hành chính tỉnh Hải Nam bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Từ ngày 16/5 đến 6/6/1987, hải quân Trung Quốc thao diễn trong vùng tây Thái Bình Dương và Nam biển Đông, gần quần đảo Trường Sa.

Ngày 10/11/1987, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Louisa trên quần đảo Trường Sa…

Đầu năm 1988, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tới một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Cụ thể, ngày 31/1/1988 chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18/2/1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/2/1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28/2 chiếm bãi Tư Nghĩa.

Sáng ngày 14/3/1988, 4 tàu chiến Trung Quốc tiến đến bãi Gạc Ma. 6 giờ sáng Trung Quốc đổ bộ 40 quân lên đảo, xông lên giật cờ Việt Nam cắm trên đảo. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ cờ Tổ quốc đã bị đâm bằng lưỡi lê và bắn chết gồm hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, thiếu úy Trần Văn Phương.

Cho tới năm 1991, trong cuộc hội đàm tiến tới bình thường hoá quan hệ, theo ghi chép của Đại tá nhà văn Khuất Biên Hoà về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, đại tướng Lê Đức Anh kể vể việc ông Giang Trạch Dân còn tranh thủ cài cắm: "Cuộc hội đàm chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991. Phía Trung Quốc do Tổng bí thư Giang Trạch Dân làm Trưởng đoàn. Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng bí thư Giang và tướng Lê Đức Anh, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Ông Giang Trạch Dân liền nêu một vấn đề khá "hóc búa": "Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung-Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết là Nam Sa tức Trường Sa là của Trung Quốc". Nghe vậy, tướng Lê Đức Anh liền nói: “Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương; khi về có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể”. Nghe vậy, ông Giang không nói gì nữa; ông cười rồi ông bảo: "Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!..". 

Đọc thêm ở đây: Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc

Đọc thêm ở đây:

Con đường dẫn đến sự kiện xâm chiếm Gạc Ma của Trung Quốc

Tại sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma vào tháng 3/1988?

Nhà báo Mai Thanh Hải gặp gỡ nhân chứng trận Gạc Ma

3.

Phần 2: GẠC MA ĐÃ BỊ TRUNG QUỐC XÂM CHIẾM NHƯ THẾ NÀO?

Xem clip lính Trung Quốc giết hại 64 chiến sĩ của ta:

Clip do phía Trung Quốc ghi về hành động tội ác của chúng xâm chiếm Gạc Ma.

Hãy nghe cựu chiến binh Lê Hữu Thảo kể:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 7

“Lúc đó, tôi mới chỉ 23 tuổi, tôi là tiểu đội trưởng, chỉ huy nhiệm vụ cắm cờ và bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma. Vào rạng sáng 14/3/1988, tôi cắt cử 2 chiến sĩ xuống tàu mang theo 2 khẩu AK vào đảo để dựng cờ thì bất ngờ chúng tôi bị lính Trung Quốc mang theo vũ khí bao vây.

Họ chĩa súng vào phía quân ta và dùng tàu chạy quanh tàu HQ 604 yêu cầu chúng tôi rút lui nhưng chúng tôi vẫn đáp trả rằng đây là lãnh thổ của Việt Nam nên không phải rút đi đâu cả. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình bình thường.

Khi cờ của ta đã bay trên đảo Gạc Ma thì bắt đầu phía Trung Quốc nổ súng và hai bên lao vào đánh nhau. Cả hai bên đều bị thương và rồi phía bên Trung Quốc bỏ chạy. Tuy nhiên, chạy được khoảng 40-50m thì lính Trung Quốc quay lại nã súng vào quân ta.

Chúng tôi có 27 lính chiến đấu, trong khi đó Trung Quốc có đến hàng ngàn lính thủy quân, 3 tàu khu trục và 1 tàu hộ vệ tên lửa. Chúng ta chỉ có tàu vận tải nhỏ không trang bị vũ khí. Bởi vậy mà mình đã mất mát quá nhiều”...

Khi nhắc đến những đồng đội cũ, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo không khỏi xúc động: “Chứng kiến cảnh những người bạn, anh em đồng đội của mình hy sinh thì tôi đau đớn vô cùng. Bởi mình là người đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng sẽ hy sinh cho Tổ quốc thì lại không hy sinh, còn những người mặc dù họ cũng vô cùng dũng cảm và không ngại hy sinh nhưng trong trận chiến này họ không hề nghĩ tới việc đó thì họ lại phải nằm xuống”.

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 8

Khi phóng viên hỏi về thông tin gần đây trên mạng đang có rất nhiều những thông tin rằng quân ta nhận được lệnh không được đáp trả lại phía Trung Quốc, ông Thảo vô cùng bức xúc. Ông nói rằng: “Sự thật là sự thật và cần được tôn trọng!”.

Chủ trương của Việt Nam là "không nổ súng trước" chứ không phải "không được nổ súng". Thực tế tương quan lực lượng, nếu chúng tôi nổ súng trước, cũng không thay đổi được kết quả cuộc chiến, ngoài việc tiêu diệt thêm được 10-20 lính Trung Quốc. Trung Quốc tại thời điểm đó mạnh hơn quân ta nhiều lần.

Vào thời điểm đó, chúng tôi có đủ thời gian để rút lui, không có mệnh lệnh phải nhất định ở lại. Thế nhưng, chúng tôi quyết không rút quân. Đây là việc làm từ trong tim để bảo vệ quê hương, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 9

Các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma được đưavề đất liền

Tất cả những clip được tung lên mạng gần đây mà các bạn đang xem chỉ là một phần nhỏ trong trận chiến ấy. Có những nhân chứng chứng kiến Trung Quốc bỏ chạy lại không được thể hiện trong những clip này.

Thời gian trận chiến không chỉ là 3 phút 47 giây mà là hơn nửa tiếng đồng hồ. Clip này là những ảnh diễn ra vào chiều ngày 14/3 chứ không phải buổi sáng và được ghi lại bởi một tàu Trung Quốc đứng cách xa nhiều hải lý.

Sự thật là sự thật. Chúng tôi không đi làm bia đỡ đạn. Chúng tôi đi theo tiếng gọi bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Đọc thêm ở đây: Lời kể của cựu chiến binh Lê Hữu Thảo

Còn đây là lời kể của Đại tá, anh hùng LLVTND Vũ Hữu Lễ:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 10

6h30 sáng 14/3/1988, sau khi tàu HQ 604 bị bắn chìm, 3 tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo vào HQ 505. Tàu bị trúng đạn vào buồng máy bên phải, hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý. Tất cả các khoang máy đều bốc cháy dữ dội, điện tắt tối om, nước tràn, dầu lênh láng. Tàu có xu hướng nghiêng, khả năng chìm trên vùng biển sâu 1.000 m.

Trong thời khắc sinh tử, ông Lễ nhận định, nếu tàu HQ 505 chìm, cán bộ chiến sĩ hy sinh, tàu mất, đảo không giữ được. Vì thế, ông quyết định bằng mọi giá phải giữ được tàu. 

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 11

Chỉ trong vòng 3-4 phút, ông yêu cầu anh em kỹ thuật tập trung sửa máy tàu. Khi sửa xong, ông lệnh chạy cả 2 máy, một tiến, một lùi để mũi tàu hướng về đảo Cô Lin. 

Gần đến Cô Lin, ông hạ lệnh mở hết tốc lực, cho tàu HQ 505 phi thẳng lên đảo. Lúc này tàu HQ 505 nằm gác 1/3 thân trên đảo và trở thành pháo đài kiên cố giữ đảo. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lập tức lên kế hoạch, nếu đối phương đánh tàu, chiếm đảo, bộ đội sẽ dùng súng bộ binh để chiến đấu.

Sau khi đưa 5 chiến sĩ trên tàu bị thương lên đảo Cô Lin để cấp cứu, thuyền trưởng Lễ cùng nhiều đồng đội khác đưa xuồng cứu sinh quay lại đảo Gạc Ma để cứu vớt đồng đội.

Bị lính Trung Quốc dùng súng AK bắn trước mũi xuồng ngăn cản nhưng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn cùng đồng đội kiên cường cứu trợ đồng đội. Suốt buổi sáng hôm ấy, họ vớt được 44 thương binh và tử sĩ rồi đưa về đảo Sinh Tồn để cứu chữa, mai táng.

Thuyền trưởng Lễ sau trận Gạc Ma ( người mang áo trắng, quân hàm sĩ quan):

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 12

 Đọc thêm ở đây: Lời kể của thuyền trưởng Vũ Hữu Lễ

Những  chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến Gạc Ma còn lại chỉ là những kỷ vật này thôi:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 13

...Khi nắp thùng bật mở, chúng tôi lặng đi khi nhìn thấy những di vật được cẩn trọng gói trong giấy báo. Chính ủy lữ đoàn 125 nâng niu bằng cả hai tay, lấy từng di vật ra. Hai ngòi nổ, một mặt nạ phòng độc M04, hai hộp bộ đổi nguồn thông tin, một hộp đèn soi thông tin (đèn tín hiệu cũ), một bó dây điện nhỏ, một cuốc chim, bốn chiếc dép nhựa, một săm xe đạp. Ba chiếc thắt lưng cũ kỹ đã bị đứt một đoạn.

Hai bát ăn cơm và chiếc quần quân trang của người lính công binh Việt Nam bị rách không đồng màu, loang lổ những dấu vết của biển cả với những vỏ hàu, vỏ ốc kết chặt. Ba chiếc dép nhựa Tiền Phong màu trắng đã bị đứt quai, chuyển màu vàng sậm. Khẩu AK chỉ còn nòng súng, thoi đẩy và đế báng súng.

Sóng gió đã đánh trôi dạt, bào mòn, làm mục nát hết những phần khác của các vũ khí quân tư trang. Tất cả những thứ bằng sắt đều đã gỉ sét, cũ kỹ. Có những di vật đã bị biến dạng, méo mó. Chỉ duy hai bát ăn cơm và ống liều phóng của quả đạn B41 trong hộp nhựa là còn nguyên vẹn.

Đặc biệt, có một ống liều phóng đã được đút vào khẩu B41, sẵn sàng ngắm bắn. Đầu nổ của nó đã bị lòi ra kim phát nổ. “HQ-604 chỉ là tàu vận tải thông thường nên tầm bắn tối đa chỉ ở cự ly 500m. Khi đó tàu HQ-604 đang cách tàu chiến địch 2-3 hải lý (khoảng 3,6-5,4km). Chắc là các bác, các chú đang cơ động cho tàu tiến đến gần tàu địch thì bắn nhưng chưa kịp bắn đã trúng hỏa lực của tàu chiến đối phương” – đại tá Trần Thanh Tâm giải thích.

Những kỷ vật từ lòng biển Trường Sa

4.

Phần 3: Khoảng trống lịch sử

Tất nhiên, tôi tin, từ bây giờ thì những thông tin, diễn biến, bài học, cứ liệu chân xác của lịch sử về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc ở biên giới phía bắc trước hành động xâm lược của quân Trung Quốc, hay cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Căm Pu Chia, và cuối cùng là sự thật lịch sử về cuộc xâm lược và thảm sát tội ác của lính Trung Quốc ở đảo Gạc Ma...sẽ không còn khoảng trống trên báo chí và tới đây là trong sách giáo khoa lịch sử của các cấp học.

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 14

Nhưng chúng ta quá uất ức vì nhiều thập niên, những dấu ấn lịch sử bi tráng ấy của dân tộc đã bị những quan điểm, đánh giá, lạc quan tếu, ngờ nghệch và ấu trĩ trong ứng xử "hữu nghị" với Trung Quốc làm lu mờ, biến thành khoảng trống. Trong khi đó, đúng ngần ấy thời gian, phía Trung Quốc không ngưng nghỉ tuyên truyền nói xấu,  bôi nhọ, bóp méo sự thật lịch sử trong quan hệ với Việt Nam, nhồi nhét vào nhiều thế hệ thanh niên Trung Quốc một Việt Nam vô ơn bạc nghĩa, một Việt Nam gây chiến, một Việt Nam xâm lược nhiều lãnh thổ, biển đảo của Trung Quốc.

Chúng ta đã nhận được những bài học cay đắng.

Hãy nghe đoạn phỏng vấn ngắn của phóng viên vnexpress với các bạn trẻ, các người dân có tuổi, đa phần họ đều không biết đến trận chiến Gạc Ma và hiểu thêm nguyên nhân vì sao họ không biết:

                              Clip: Vì sao trận chiến Gạc Ma bị lãng quên?

5.

Phần 4: HOÀNG SA- GẠC MA LÀ BẤT TỬ

Gần đây, bắt đầu việc tuyên truyền mở rộng, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của chính quyền, đoàn thể đối với các gia đình và cựu binh Hoàng Sa, Trường Sa liên tục mở rộng, dù muộn nhưng cũng là những ngọn lửa tri ân ấm áp và  hữu ích, để nhân dân không lãnh quên, lịch sử dân tộc không lãng quên, các thế hệ không lãng quên máu xương cha anh mình vì biên cương Tổ Quốc.

Thông tin về biển đảo càng được đề cập nhiều trên báo chí, với nhiều góc nhìn minh bạch về lịch sử và những hoạt động không chỉ mang tính truyền thông, nó đã được Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam thực hiện một công trình thế kỷ về một khu tượng đài khang trang và ấn tượng ở đảo Lý Sơn-Tượng đài người mẹ thắp lửa tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 15
Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 16

 Mới nhất nữa là nghĩa cử thành phố Đà Nẵng, sáng 12/3, trao quyết định bố trí căn hộ chung cư thuộc diện dành để “chiêu hiền đãi sĩ” cho con trai liệt sĩ, AHLLVT Vũ Phi Trừ, nguyên thuyền trưởng tàu hải quân HQ 604 bị Trung Quốc bắn chìm trong trận “hải chiến Gạc Ma 1988":

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 17

Hoặc trước đó bức tranh Gạc Ma- vòng tròn bất tử được tổ chức đấu giá với số tiền lên tới 1,3 tỉ đồng.

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 18

Người đấu giá thành công là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hoà Bình. Ông Hải cho biết, ông mong muốn mỗi gia đình liệt sĩ có được 20 triệu đồng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đồng thời khẳng định sẽ tặng bức tranh này cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Còn phải làm nhiều nữa cho các cựu chiến binh và thân nhân gia đình các chiến sĩ đã đổ xương máu vì biên cương Tổ Quốc.

Khó để cầm nước mắt trước mâm cúng 64 cái bát, 64 đôi đũa của cụ Hoàng Dỏ ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình):

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 19

 Quảng Bình đầu năm 1988, khoảng hơn 300 chiến sỹ được tuyển chọn và huấn luyện lên các tàu ra đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, và tất cả đều có mặt trong trận hải chiến ngày 14/3/1988.

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 20

Trong số 64 chiến sỹ hy sinh ở Gạc Ma, Quảng Bình có đến 13 liệt sỹ, hai trong số đó được phong Anh hùng LLVTND là thiếu úy, liệt sỹ Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch) và trung sỹ Nguyễn Văn Lanh (sinh năm 1966, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh).

6.

ĐỌC TỪ FACEBOOK:

*Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 21

Khi ký tặng 2000 cuốn sách cho các chiến sĩ Hải quân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tâm sự: “Sau nhiều chuyến đi đảo cùng bộ đội từ 1980 – 1981, đặc biệt mấy năm gần đây tình hình biển đảo nóng bỏng, tôi có ý định viết trường ca mang tên “Biển mặn”. Năm 2014 tôi đặt bút viết được nửa chương, nhưng thấy mạch vào chưa ổn đành bỏ. Mãi đến cuối tháng 4/2015, sau khi đã tìm đọc nhiều tài liệu về sử sách, về biển đảo của Việt Nam từ thư tịch xưa, những văn bản cổ về lịch sử, và bức xúc trước tình hình Biển Đông căng thẳng đã tạo cho tôi một cảm hứng rất mạnh, tôi ngồi vào bàn viết lại BIỂN MẶN. Trong cấu trúc trường ca này, tôi quyết định đưa vào một số bài thơ đã viết từ các đợt đi biển đảo trước đây, phù hợp với mạch cảm xúc chung. Những ngày này trời nắng nóng 40 độ hoặc hơn. Tôi thường viết từ lúc gần sáng. Hôm nào ngồi vào bàn, không lấy lại được cảm xúc, là tôi không viết. Chỉ khi nào nối được mạch cảm xúc tôi mới viết tiếp, vì trường ca rất cần cảm xúc mạnh, liền mạch. Sau hơn một tháng thì trường ca được hoàn thành:

Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ
Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng
Mọc lên lớp lớp tầng tầng
Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô
Những vùng biển đẹp như mơ
Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:
Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

*Nhà báo Việt Thắng:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 22

TRƯỜNG SA THÁNG 3 NĂM 1988
Năm 1988, tôi học lớp 12C, Trường cấp 3 vừa học vừa làm Yên Thành (nay là Trường THPT Phan Thúc Trực).
Đúng ngày 26/3 năm đó, chúng tôi tổ chức Hội trại chào mừng ngày thành lập đoàn.
Thông tin về bọn bành trướng Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, giết hại 64 chiến sỹ của ta, lúc đó chúng tôi chỉ biết lõm bõm.
Cho đến sáng 26/3, sau khi thầy Công Minh, một giáo viên dạy Lịch Sử khép lại tiếng đàn Violin, một bạn nữ học lớp 12E, sau này tôi mới biết tên bạn là Lan (hình như nhà bạn ở xã Viên Thành), đã lao lên sân khấu, nói với cả trường về hành động xâm lược của Trung Quốc ở Trường Sa.
Và ngay sau đó Lan đã cất lên bài hát "Gần lắm Trường Sa".
Tất cả chúng tôi đứng dậy, vừa vỗ tay vừa trào nước mắt theo lời bài hát của bạn: "Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh..."
Tháng 3 năm đó, làng tôi những anh Tráng, anh Hùng, anh Trung đã lên đường đi Trường Sa.
Đã 28 năm, tôi có thật nhiều thông tin về cuộc hải chiến Trường Sa, được gặp nhân chứng Gạc Ma Lê Hữu Thảo, và được nghe nhiều ca sỹ nổi tiếng trình bày bài hát ấy. Nhưng không ai hát hay bằng bạn Lan của tôi vào buổi sáng 26/3/1988!
Bạn bè chúng tôi mỗi lần gặp nhau, nhắc đến Lan, nhắc đến bài hát "Không xa đâu Trường Sa ơi", đứa nào cũng rưng rưng..

*Nguyễn Văn Phước, giám đốc Trí Việt - First News.

Đây là quán phở của cựu chiến binh Gạc Ma Lê Minh Thoa có mặt trên tàu HQ 604 trong chiến dịch “CQ 88” lịch sử. Sáng 14/3/1988

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 23

Từ gánh phở bình dân Trường Sa đặt trên vỉa hè trước nhà nuôi cha mẹ và 3 đứa con nhỏ đắp đổi qua ngày, nay đã được đổi tên là Phở Gạc Ma – Trường Sa nhờ gợi ý của Trí Việt - First News và bảng hiệu khang trang là nền bức tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử”. Bảng hiệu do công ty Trí Việt - First News gửi tặng anh Thoa theo nguyện vọng của anh Thoa trong dịp đoàn ra Quy Nhơn đầu tháng 3.

*Trưởng thôn Khoai Lang:

Shop TIN 13/3: Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà - ảnh 24

Thắng hói đang vẽ sơ đồ trên nền nhà về trận Gạc Ma.

Gặp Thắng hói- cựu chiến binh trận chiến Gạc Ma: Thắng hói nay ở cùng vợ con tại thị xã Dĩ An, Bình Dương. Anh là thủy thủ trên tàu HQ 505 ra làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma. Anh đang kể, trưa 13/3/1988 tàu anh tới khu vực đảo Gạc Ma, gặp ngay tàu
Trung Quốc đang chĩa loa nói ra rả bằng tiếng Việt, tuyên bố đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Trung Quốc, yêu cầu tàu Việt Nam đi xa khỏi khu vực.
Xa kia, hai tàu hàng nhỏ hơn chở đá và xi măng cũng đã tiến gần đến Gạc Ma chuẩn bị cho việc xây mốc chủ quyền của ta.
Tối đó, tàu Trung Quốc thả thuyền cao su vào đảo, cắm cờ trên đảo Gạc Ma.
Sáng hôm sau ta mới phát hiện cờ Trung Quốc trên đảo.
Thắng kể, đến sáng ngày 14 khi ta cho bộ đội lên đảo (đảo chìm trong nước) để chuẩn bị phương án giữ đảo thì tàu Trung Quốc lại cho lính lên thuyền cao su vào đảo, trên thuyền trang bị súng bắn xối xả về phía các chiến sĩ. Thắng và anh em nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống. Rồi pháo tàu Trung Quốc bắn dồn dập về tàu của Thắng. Thuyền trưởng Lễ hạ lệnh lao tàu hết tốc lực về đảo. Tàu lao bập vào đảo và nằm gác thân lên đá ngầm. Thân tàu nhiều lỗ thủng, lửa khói bốc lên nghi ngút. Quanh đảo, mấy tàu chiến Trung Quốc vẫn vòng vèo nhả đạn. Mãi chiều tối, anh em mới tiếp cận được trung tâm đảo, vớt được một số thi thể đồng đội, số thi thể còn lại bị sóng biển cuốn đi.
Cả tháng sau đó, Thắng và 10 chiến sĩ khác cùng thuyền trưởng Lễ vẫn bám trụ trên con tàu đã hư hỏng của mình, cương quyết không rời tàu.
Sau khi mọi việc đã êm, tàu Trung Quốc đã rút, Thắng và anh em mới rời tàu vào đất liền. Con tàu hư hỏng, nằm lại ở chân đảo như một chứng tích. Nhiều tháng sau đó nó mới được kéo đi.
Sau này thuyền trưởng Lễ được phong anh hùng. Thắng được nhận bằng khen. Rồi anh được ra quân. Bây giờ thì làm thợ đụng tại thị xã Dĩ An, lấy cô vợ người Nam, sinh được hai cháu.
Anh còn tăng gia thêm gà.
Cuộc đời lính chiến với kỷ niệm cuộc chiến đảo Gạc Ma có lẽ là kỷ niệm suốt đời anh không thể quên. Hình ảnh các đồng đội ngã xuống dưới làn đạn của lính Tàu ám ảnh cả đời.
Hàng năm, cứ đến ngày 14/3, gọi là ngày Gạc Mạ, đồng đội cũ lại gặp nhau.

Nguyễn Quang Vinh

Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)”. Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 10 bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trao giải Báo chí với phát triển bền vững 2019 và phát động cuộc thi năm 2020

Ngày 10/1/2020, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), các đơn vị đồng hành tổ chức lễ trao “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019” và phát động “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2020”.

Hà Nội quy hoạch báo chí, giảm 10 tòa soạn báo, tạp chí

Sau sắp xếp, Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 báo in, 1 đài truyền hình Hà Nội và 2 tạp chí.

Sách Quốc gia 2019: Bộ sách đồ sộ của cố GS Phan Huy Lê được vinh danh

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cùng "Động vật chí và Thực vật chí VN" đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2.

Giải thưởng sách Quốc gia: Mục tiêu cao nhất là lan tỏa tới độc giả

"Giải thưởng Sách Quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

Hà Tĩnh: Dịch vụ bưu chính công ích phát huy tốt vai trò và lợi thế

Việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi vào ổn định và đang phát huy được vai trò lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân khi thực hiện các thủ hành chính.

Hỏi ông Putin câu hỏi "chưa được duyệt", nữ phóng viên bị nghỉ việc bí ẩn?

Truyền thông Nga đang có suy đoán khác nhau về việc 1 nữ phóng viên đã bị buộc xin thôi việc sau khi đặt câu hỏi bất ngờ cho ông Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12.

Cục Tần số: Sắp đấu giá băng tần 2.6Ghz để nâng cao chất lượng mạng 4G

ICTnews - Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đang khẩn trương chuẩn bị đấu giá băng tần 2.6 Ghz để các nhà mạng tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.

Cục trưởng Cục Viễn thông: "Thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao di động"

ICTnews - Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao mới. Vì vậy, Cục sẽ cần nghiên cứu phương án tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Các ngôi sao công nghệ thế giới sẽ đến Việt Nam vào tháng 9/2020

Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020) là sự kiện quan trọng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra từ 06-09/09/2020 tại Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !