Truyền thông Trung Quốc vu khống "Việt Nam phát triển vũ khí hạt nhân"
Ngày 9/6, trang tin Phượng Hoàng (Trung Quốc) dẫn nguồn tin đặc biệt của "Tạp chí Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương" từ Đài Loan cho biết, "nguồn tin tình báo đã phát hiện một kế hoạch bí mật phát triển vũ khí hạt nhân liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc phải thận trọng. Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới, nếu Việt Nam có vũ khí hạt nhân, đây là một lời cảnh báo đối với Trung Quốc."
Ảnh minh họa |
Tờ Phượng Hoàng trích dẫn,"trong nhiều năm qua, Việt Nam đã theo đuổi chương trình phát triển cộng nghệ điện hạt nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp đang tăng tốc trong nước.
Trong những năm 1960, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam xây dựng lò phản hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Vào năm 1976, Việt Nam thành lập ủy ban năng lượng nguyên tử quốc gia. Năm 1983, Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng lại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cùng với các công nghệ liên quan.
Năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, một nhà máy điện hạt nhân do Nga phụ trách công nghệ và đầu tư, nhà máy thứ hai là Nhật Bản hỗ trợ xây dựng, Việt Nam đã gửi 139 chuyên gia hạt nhân đi các nước như Nga, một số quốc gia châu Âu, thậm chí cả Bắc Triều Tiên và Nhật Bản để đào tạo".
Phượng Hoàng trích dẫn nguồn tin còn cho biết, "Việt Nam hiện còn có hơn 180 chuyên gia hạt nhân ở các trường đại học trong nước, đây là lực lượng nhân lực hạt nhân xương sống của Việt Nam. Việc Việt Nam phát triển vũ khí hạt nhân là nhằm hình thành khả năng răn đe mới và hiệu quả, bởi sức mạnh quân sự của Việt Nam quá yếu so với Trung Quốc, do đó họ phải tạo nên khả năng răn đe mới và hiệu quả như Bắc Triều Tiên đã làm, nhất là trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc ngày càng gay gắt".
Trước hết cần khẳng định rằng, đây là những luận điệu xuyên tác các chính sách và đường đối của Đảng và Chính phủ nước CHXCN Việt Nam của các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Những luận điệu xuyên tạc này không chỉ nhằm kích động dư luận quần chúng thiếu hiểu biết ở Trung Quốc, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm làm xấu đi mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, mà còn phục vụ cho những ý đồ đen tối của một số đối tượng khác.
Thứ hai, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định với các tổ chức uy tín quốc tế và các cường quốc hạt nhân trên thế giới nhằm cam kết Việt Nam không phát triển và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào múc đích hòa bình.
Ngày 1/7/1968, Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-proliferation Treaty – NPT) ra đời. Việt Nam tham gia NPT vào ngày 14/6/1981 và ký hiệp định thanh sát đầy đủ với Cơ quan năng lượng nguyên tử thuộc LHQ (IAEA) vào năm 1990.
Tháng 7/2013, Việt Nam đã vận chuyển và trao trả 106 thanh uranium từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho phía Nga, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của đại diện IAEA và hơn 40 chuyên gia hạt nhân của Mỹ, Nga. Đây là đợt 2 của dự án trao trả 141 thanh uranium (16 kg) cho Nga mà Việt Nam khởi động từ năm 2004.
Năm 2007, đợt 1 của dự án được thực hiện bằng việc trao trả cho Nga 35 thanh uranium có độ làm giàu cao chưa qua sử dụng. Đợt 2 này, Việt Nam trả cho phía Nga 106 thanh uranium (11 kg), theo đúng cam kết với IAEA.
Ngày 22/7/2014, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam. Thỏa thuận trên, được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ký kết hồi tháng 10/2013 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei, đã được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn hồi tháng 2/2014.
Đã có rất nhiều các văn bản nhà nước Việt Nam quy định về việc phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình như: Quyết định số 957/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020; Quyết định 906/QĐ-TTg ngày 17/06/2010 phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030; Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”; Quyết định số 2376/QĐ-TTg về việc phê duyệt định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Chính phủ Việt Nam đã tham gia và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc quốc tế về phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Như vậy có thể thấy rằng, những luận điệu xuyên tạc trên của một số phương tiện truyền thông Trung Quốc là không đúng sự thật và chỉ làm xấu đi mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.