Truyền thông thế giới tiếp tục tung “tin vịt” về đặc nhiệm Nga
Lính đặc nhiệm Nga |
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga Viktor Ozerov là người đã trực tiếp gọi các thông tin về việc đặc nhiệm Nga đến Syria là “tin vịt”. “Đó lại là tin vịt”- ông Ozerov khẳng định, đồng thời coi các thông tin này là đòn đánh lạc hướng dư luận, lái dư luận không chú ý đến quyết định của Washington trong việc cử đặc nhiệm đến Syria nhằm giải phóng thành phố Raqqa.
Ngoài ra, ông Ozerov cũng nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo Nga không hề trình lên Thượng viện đề nghị cử lực lượng quân sự của Nga đến lãnh thổ Ai Cập hoặc Libya. “Tôi hoàn toàn không biết gì nhưng đó không phải là cái chính. Cái chính là không ai đề nghị Thượng viện Nga xem xét vấn đề cử quân đội Nga đến lãnh thổ Ai Cập hoặc Libya”- ông Ozerov khẳng định. Theo Ozerov, để có thể đưa lực lượng quân sự của Nga ra nước ngoài, giới lãnh đạo cần phải thông qua Ủy ban Quốc phòng Thượng viện hoặc thông qua bản nghị quyết tương ứng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi có thể nói về hợp tác kỹ thuật - quân sự nào đó, nhưng sự tham gia của các lực lượng vũ trang Nga vào các nhiệm vụ quân sự ở Libya không thể thực hiện được mà không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoặc đề xuất của giới lãnh đạo Nga” - ông Ozerov nhấn mạnh.
Thông tin về sự xuất hiện của lực lượng đặc nhiệm Nga ở Ai Cập, khu vực gần biên giới với Libya, được hãng thông tấn Reuters đưa ra trong một vài ngày gần đây và được cho là dựa trên các nguồn tin ngoại giao. Theo đó, Nga đã đưa khoảng 22 lính đặc nhiệm đến khu vực này. Các quan chức Mỹ cũng cho biết đơn vị đặc nhiệm này của Nga và cả các thiết bị bay không người lái đã được đưa đến khu vực dân cư Sidi-Barani của Ai Cập, khu vực chỉ cách biên giới với Libya khoảng 100 km.
Trong khi đó, giới chức Nga, Libya và Mỹ không đưa ra bất cứ khẳng định nào đối với thông tin này. Thư ký Báo chí của Quân đội Ai Cập al-Rifai tuyên bố trên lãnh thổ Ai Cập không có bất cứ người lính nước ngoài nào.
Thượng viện Nga bác bỏ sự tồn tại của công ty quân sự tư nhân
Đối với thông tin cho rằng có khoảng vài chục nhân viên thuộc công ty quân sự tư nhân Nga đã tiến hành chiến dịch rà phá bom mìn ở Libya, ông Ozerov nhấn mạnh rằng trong hồ sơ quản lý của Nga không có bất cứ công ty quân sự tư nhân nào.
“Cần phải thực hiện thêm nhiều nỗ lực để thay đổi luật về thành lập công ty quân sự tư nhân để đệ trình lên Hạ viện Nga. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của cả hai viện trong Quốc hội Nga, văn phòng Tổng thống Nga và Bộ Quốc phòng đều có chung ý kiến là phản đối ý tưởng này”- ông Ozerov tuyên bố, đồng thời khẳng định rằng một vài công ty Nga đăng ký thành lập công ty quân sự tư nhân nhưng đều đăng ký ở nước ngoài và điều đó “không có bất cứ liên quan nào đến Nga”.
Lính đặc nhiệm Nga |
Giám đốc “RSB-Group”: Chúng tôi không phải công ty quân sự tư nhân
Cách đây vài ngày, Reuters đã đề cập đến Giám đốc Công ty Quân sự tư nhân “RSB-Group” Oleg Krinitsina và cho biết chính nhân vật này đã tiết lộ thông tin về việc có hàng chục nhân viên của công ty này đã thực hiện chiến dịch rà phá bom mìn ở căn cứ không quân Benin, Libya. Lực lượng này đã rời Libya sau khi hoàn thành chiến dịch hồi tháng 2/2017.
Tư lệnh Bộ Tham mưu tác chiến của Không quân Libya, đồng thời là Chỉ huy căn cứ quân sự Benin, tướng Mohammed al-Manfur đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời tuyên bố chính quyền Syria không ký kết hợp đồng với bất cứ công ty quân sự tư nhân nào của Nga.
Tuy nhiên sau đó, trong phần trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RBK của Nga, ông Oleg Krinitsina tuyên bố rằng việc rà phá bom mìn ở Libya được các nhân viên “RSB-Group” thực hiện theo “đề nghị chính thức của Libya”. Krinitsina cũng nhấn mạnh rằng “RSB-Group” không phải là công ty quân sự tư nhân và các nhân viên của công ty này không tham gia vào bất cứ hoạt động quân sự nào.
“Chúng tôi thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn, ví dụ như ở Libya, bảo vệ các con tàu khỏi lực lượng cướp biển. Ngoài Libya, chúng tôi còn có hoạt động kinh doanh ở Colombia. Một loạt các quốc gia khác cũng đề nghị chúng tôi giúp đỡ nhưng tôi không thể công khai danh tính các quốc gia này”- người đứng đầu “RSB-Group” nhấn mạnh, đồng thời cho biết trong suốt 6 năm hoạt động, công ty chưa phải gánh chịu bất cứ tổn thất nào.
Krinitsina cũng nhấn mạnh rằng đội ngũ nhân viên của “RSB-Group” chỉ toàn các chuyên gia quân sự chuyên nghiệp. “Chúng tôi tôn trọng các người lính biên phòng, các cựu chiến binh của các đơn vị đặc nhiệm “Vympel”, “Alpha”, họ là những ưu tiên của chúng tôi”- Ksinitsina tuyên bố.
Theo các cơ quan chức năng Nga, Krinitsina đang lãnh đạo công ty bảo vệ tư nhân “RSB-Group”. Nga hiện không có đạo luật nào về vấn đề hoạt động của các công ty quân sự tư nhân.