Truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone: Nghiêm ngặt nhưng…
Trả thêm tiền để mua thịt sạch
Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin được Sở Công thương TP.HCM triển khai thí điểm tại 349 điểm bán lẻ thuộc các kênh phân phối hiện đại trên đại bàn thành phố từ ngày 16/12. Theo đó, bằng ứng dụng trên điện thoại di động hay máy tính bảng có kết nối internet, người mua có thể biết được thông tin về nguồn gốc thịt thông qua việc quét mã vạch trên con tem dán ở miếng thịt.
Ghi nhận của PV Infonet vào sáng 20/12, bước đầu người tiêu dùng đã có phản ứng tích cực về chương trình này. Có mặt tại điểm bán thịt sạch ở Q.Gò Vấp, chị Nguyễn Phương Khanh cho hay, việc làm này giúp người tiêu dùng an tâm hơn trong bối cảnh thịt “bẩn” hoành hành đe doạ sức khoẻ người dân, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần.
Chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng nhưng vẫn còn những hạn chế. |
“Tôi sẵn sàng trả thêm tiền để mua được thịt sạch chứ nghe tới heo bị bơm nước hay sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mà sợ. Sau thịt heo, tôi mong cơ quan chức năng áp dụng chương trình này trên các loại thực phẩm như thuỷ hải sản, rau củ quả…”, chị Khanh chia sẻ.
Về thao tác kiểm tra thịt, bà Hoàng Thị Dung (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết, không có gì khó khăn. Nhiều người lo ngại các bà nội trợ lớn tuổi không có điện thoại sẽ không thể kiểm tra được nhưng với việc trang bị máy quét ở mỗi điểm bán thì vấn đề này đã được giải quyết.
Để chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo này được nhiều người biết đến, Sở Công thương TP.HCM cho biết thông qua báo chí, truyền hình, cơ quan này còn phối hợp với các đơn vị chức năng gửi tin nhắn đến người dân để phổ biến, mời tham gia. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo Sở Công thương cho biết lượng thịt heo sạch tiêu thụ đã tăng đáng kể so với thời điểm trước khi triển khai thí điểm.
Theo số liệu thống kê từ Sở Công thương TP.HCM, đến thời điểm này chương trình thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị. Cụ thể: Có 60 cơ sở chăn nuôi với hơn 1.000 trang trại; 18 lò mổ trong và ngoài thành phố; 339 điểm bán ở các siêu thị, nhà bán lẻ; 2 chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia. Trong giai đoạn 1 của chương trình, sau khi thí điểm ở các kênh phân phối hiện đại thì sẽ triển khai tới 76 sạp của tiểu thương ở 4 chợ truyền thống đã đăng ký.
Vẫn còn “lổ hổng”
Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin nói trên đưa vào thí điểm kỳ vọng sẽ đầy lùi nạn thịt heo “bẩn” tràn ngập ở các chợ, đây là vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua cơ quan chức năng TP.HCM vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết rốt ráo. Tuy nhiên, khi ứng dụng vào thực tế chương trình này đã bộc lộ những hạn chế.
Theo đó, từng miếng thịt trước khi đến tay người tiêu dùng sẽ được tiểu thương dán tem “điện tử” có mã vạch rồi kích hoạt. Trên đó sẽ tích hợp những thông tin về nguồn gốc con heo từ trang trại, quy trình chăn nuôi, giết mổ đến địa điểm kinh doanh. Toàn bộ chi phí cho hoạt động kiểm soát công nghệ này ước tính khoảng 10.000 đồng/con heo.
Việc bỏ ra thêm ít tiền để mua được thịt heo sạch không làm nhiều bà nội trợ bận tâm những nghi ngại về chất lượng khi người dán tem lên thịt lại là người bán. Khi được hỏi, nhiều bà nội trợ cũng như tiểu thương bán thịt ở các chợ đều cho biết rất khó kiểm soát được chất lượng thịt trong trường hợp người bán gian lận, dán tem kích hoạt của thịt sạch vào thịt “bẩn”.
“Nếu gặp tiểu thương làm ăn gian dối thì họ sẽ chấp nhận mua tem dán vào thịt trôi nổi chưa qua kiểm dịch sau đó bán với giá của thịt đạt tiêu chuẩn. Như vậy dù có soi thì người tiêu dùng cũng không thể biết được đâu là thịt sạch. Thay vì dán tem, cơ quan quản lý nên đưa ra thiết bị đặt ở các điểm bán để người mua kiểm tra dư lượng hoá chất có trong miếng thịt thì sẽ hiệu quả hơn”, chị Phạm Kim Khánh (ngụ Q.Thủ Đức) cho hay.
Trong khi đó, chủ một số sạp bán thịt ở các chợ truyền thống lại không đánh giá cao tính khả thi của đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin này, bởi nó không khác gì so với chương trình thí điểm ban thịt heo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trước đó là mấy.
Chị H – Tiểu thương chợ Hoà Bình, Q.5 cho biết thịt heo VietGAP được cơ quan thú y kiểm soát khá chặt chẽ từ khâu giết mổ về đến chợ. Thịt đưa về chợ đã bị xẻ nhỏ nên người bán có trộn thịt trôi nổi lẫn vào thịt heo VietGAP hay không thì không ai biết được.
Với những lo ngại về tình trạng trộn thịt không rõ nguồn gốc bán chung với thịt sạch, theo TS. Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, đơn vị nghiên cứu và triển khai đề án, ứng dụng thông minh sẽ cập nhật “danh sách đen” các quầy sạp nào, ở chợ nào tham gia chương trình nhưng bị phát hiện kinh doanh gian dối. Qua đó người tiêu dùng có thể biết mà “tẩy chay”, tìm đến các quầy sạp bán thịt đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, để kịp thời phát hiện gian lận, ở các chợ cũng sẽ được trang bị camera giám sát quá trình kinh doanh.
TS. Đào Hà Trung còn cho biết, tem chứa mã vạch được sản xuất tại nước ngoài bằng công nghệ hiện đại, thông qua dữ liệu có thể xác định thời điểm, người kích hoạt tem và truy xuất được hành vi gian lận. Các tem được kích hoạt có giá trị sử dụng trong vòng 24 giờ, sau khoảng thời gian này tem sẽ vô giá trị nên tránh được tình trạng người bán sử dụng một con tem nhiều lần.
Ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Vissan cho rằng đề án này giúp cho việc kiểm soát nguồn thịt trở nên chặt chẽ hơn nhưng để giải quyết căn cơ vấn đề thì không chỉ truy xuất nguồn gốc ở khâu thương mại còn phải tập trung trong sản xuất, tức là đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn từ con giống, chăn nuôi, giết mổ đến khi tới tay người tiêu dùng.
“Tồn tại lớn nhất hiện nay là có quá nhiều lò giết mổ thủ công giá rẻ, hoạt động manh mún. Để kiểm soát tốt nguồn thịt nên quy về cơ sở giết mổ công nghiệp, sản xuất tập trung. Hiện đề án này mới chỉ triển khai ở các kênh phân phối hiện đại và mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, trong khi 80% còn lại ở chợ truyền thống nhưng chúng ta vẫn chưa kiểm soát đầy đủ bằng phương pháp này được”, ông Mười cho hay.
Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin sau khi triển khai tại các kênh phân phối hiện đại sẽ tiếp tục thí điểm ở 4 chợ truyền thống. Trung bình mỗi ngày người dân TP.HCM tiêu thụ 10.000 con heo, trong đó 80% được cung ứng từ 14 tỉnh Đông – Tây Nam bộ. Chương trình thí điểm kéo dài từ nay đến cuối tháng 2/2017, trong quá trình đó sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp để có những điều chỉnh phù hợp. Dự kiến chương trình sẽ áp dụng rộng rãi trên toàn thành phố từ ngày 1/3/2017.