Trường nghề lâm cảnh “con cáo và chùm nho”
Nhìn thấy xã hội có nhu cầu lớn về lao động chất lượng cao nhưng trường nghề đang gặp vô vàn khó khăn trong thu hút thí sinh, thiếu vốn đầu tư trang thiết bị đào tạo.
Bức tranh dạy nghề hiện nay vẫn còn nhiều mảng tối do người học vẫn “chê” trường nghề, sính vào đại học. Phía các trường nghề thì cơ sở vật chất lạc hậu không đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao dù năm nào doanh nghiệp cũng thiếu nhóm lao động này.
Chia sẻ về những khó khăn trong tuyển sinh dạy nghề, ông Trần Văn Sơn – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp In (Hà Nội) cho hay: “Trường Công nghiệp In đào tạo nghề đặc thù duy nhất cả nước là đào tạo cán bộ công nhân, kỹ thuật phục vụ cho ngành in ấn. Hiện nay do quy mô cũng như trang thiết bị có hạn nên mỗi năm chỉ đáp ứng cho việc đào tạo hơn 300 sinh viên.
Đào tạo nghề ngoài phòng học tiêu chuẩn phải có các xưởng phục vụ cho công tác thực hành theo đúng công nghệ nên nhà trường chỉ đào tạo sinh viên ở mức độ cơ bản”.
Trường Cao đẳng Công nghiệp In |
Hiện nay lực lượng ngành in cả nước có khoảng 62.000– 65.000 lao động và năm nào cũng thiếu khoảng 3.000 nhân lực chất lượng cao có kiến thức, kỹ năng vận hành tốt. Như vậy trường Cao đẳng Công nghiệp In không đủ đáp ứng nhu cầu từ thị trường lao động.
Nói về điều này, ông Trần Văn Sơn cho biết nhà trường không đủ kinh phí đầu tư các thiết bị hiện đại, số hóa để phụ vụ cho điều kiện đào tạo chất lượng cao.
“Thiết bị đào tạo ngành in của nhà trường đến thời điểm hiện nay so với doanh nghiệp là lạc hậu.
Ví như một máy in 2 màu công nghiệp có giá khoảng từ 10 – 15 tỷ mà 1 nhóm thực tập chỉ khoảng 8 sinh viên/ca chứ không thể nhiều hơn. Đó còn là máy chưa phải hiện đại mà con số đầu tư đã vượt quá sức của nhà trường.
Đào tạo chất lượng cao có những yêu cầu cao về thực hành. Nếu không có máy móc, thiết bị thực hành thì không thể đào tạo nên dù biết có tương lai khi đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng không làm gì được” – ông Sơn chia sẻ.
Thiết bị thực hành tại trường Cao đẳng Công nghiệp In đã khá lạc hậu. |
Năm 2019 chỉ tiêu của trường Cao đẳng Công nghiệp In là 450 nhưng trường chỉ tuyển được gần 300 sinh viên. Những năm gần đây, chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu.
“Tuyển sinh trường nghề những năm gần đây rất mệt mỏi vì trước đây trường nghề còn thuộc Bộ GD&ĐT, chưa thuộc quản lý Bộ LĐ,TB&XH thì Bộ GD&ĐT có quy định điểm sàn đại học, nếu không đủ điểm sàn thì thí sinh còn lựa chọn học nghề.
Những năm qua, đại học “vét” hết thí sinh với đủ phương án xét tuyển từ dùng điểm thi THPT quốc gia đến xét tuyển học bạ nên trường nghề rất lao đao”, ông Sơn cho hay.
Được biết, thu nhập của sinh viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng Công nghiệp In khoảng 7 triệu/tháng tùy vị trí, nếu làm lâu hơn khoảng 1 năm thì mức lương có thể nâng lên. Mức cao nhất mà công nhân in tay nghề cao có thể nhận được là 15-20 triệu/tháng.
Thế nhưng trường vẫn rất khó tuyển sinh, dù tung đủ chiêu vẫn không thu hút được thí sinh.
Theo ông Sơn, ngoài những khó khăn nói trên, có thể còn do đặc thù nghề này mất nhiều thời gian làm việc mỗi ngày.
Sinh viên thực hành sau giờ học lý thuyết. |
Trước những vướng mắc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại diện Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: “Giải bài toán tuyển sinh trường nghề cần sự kết hợp nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Nhà trường đào tạo về chuyên môn, doanh nghiệp sẽ đưa ra các yêu cầu với sinh viên để sinh viên có thể thực tập, thực hành với doanh nghiệp vừa được tiếp cận máy móc hiện đại, vừa quen việc. Nếu làm được việc thì doanh nghiệp trả lương cho sinh viên ngay trong quá trình thực tập.
Như vậy nhà trường không phải lo mua thiết bị thực hành, không phải lo máy móc lỗi thời và doanh nghiệp cũng có được nguồn nhân lực làm được việc, không phải mất thời gian đào tạo lại. Có điều, hiện nay doanh nghiệp có một số bí mật về công nghệ nên họ không muốn nhận sinh viên thực tập”.
Đại diện Vụ Đào tạo chính quy cho biết năm nay việc tuyển sinh trường nghề khó khăn hơn những năm trước do mùa dịch COVID-19 để lại nhiều tác động.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đang tổ chức các hội thảo để đưa ra những giải pháp về công tác gắn kết doanh nghiệp và trường nghề, giải quyết việc làm, hướng nghiệp, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; thúc đẩy cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chất lượng cao, nhân rộng đào tạo theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã thành công, để nhanh chóng có được nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp cận quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoàng Thanh